Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh ở Munich (Đức), ông Guterres nêu rõ: Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy nguy hiểm. Chúng ta đang chứng kiến tình trạng gia tăng các cuộc xung đột mới, nhiều cuộc xung đột cũ có vẻ chưa bao giờ chấm dứt, như cuộc xung đột tại Afghanistan hay Somalia. Nhà lãnh đạo của Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng nhiều cuộc xung đột có liên quan tới sự mong manh của các quốc gia, bị quốc tế hóa, và "sự thật là" các cuộc xung đột này đã "phát triển trong một thế giới nơi các mối quan hệ quyền lực trở nên mơ hồ".
"Nhìn từ Nigeria đến Mali tới Libya, Israel - Palestine, Syria, Somalia, Yemen, Afghanistan, rõ ràng rằng tất cả các cuộc khủng hoảng đều liên kết với nhau. Các chiến binh di chuyển từ nơi này đến nơi khác và đôi khi trở về nước xuất xứ (...) là một mối đe dọa lớn đối với an ninh toàn cầu chung của chúng ta" - Tổng thư ký cảnh báo. "Chúng ta đang ở trong một tình huống hỗn loạn, có thể dẫn đến một thế giới đa cực".
Tuy nhiên, theo ông António Guterres, trong những "tình huống hỗn loạn với các quan hệ quyền lực không rõ ràng", chúng ta cần gia tăng ngoại giao hòa bình. Điều này không dễ dàng. Chúng ta cũng sẽ cần nhiều ngoại giao phòng ngừa, nhiều nỗ lực hòa giải và hơn hết chúng ta phải có một chiến lược để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những loại hình xung đột này trên thế giới.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nêu rõ điều quan trọng là cần nhận thức rõ ràng về những tác động không cân xứng của quốc tế hóa cũng góp phần vào những vấn đề hòa bình và an ninh toàn cầu. Ông đồng thời lưu ý rằng phát triển bền vững và toàn diện là một yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa các cuộc xung đột. Theo đó, một mặt, toàn cầu hóa là "một máy phát đáng kinh ngạc sự giàu có, thịnh vượng, cải thiện điều kiện sống (...) làm giảm đáng kể nghèo cùng cực", nhưng mặt khác, "ở một số khu vực trên thế giới, trong nhiều cộng đồng, họ cảm thấy đã bị bỏ quên, không ai quan tâm và cảm giác đó đã phát triển với sự gia tăng các bất bình đẳng".
Một điểm đáng chú ý và quan ngại trong bối cảnh hiện nay là tình trạng thất nghiệp của hàng loạt thanh niên, và đây có lẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh thế giới. "Không có gì tệ hơn là một người nam giới hay phụ nữ trẻ tuổi có một bằng đại học, mà lại không có may mắn tìm được việc làm, không có hy vọng. Không có gì tệ hơn tình trạng này và các tổ chức cực đoan bạo lực và tổ chức khủng bố sẽ có điều kiện tốt hơn để tuyển mộ họ" - ông Guterres cho biết.
Trước tình trạng người dân thiếu lòng tin vào các tầng lớp chính trị của họ, Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá vấn đề cốt lõi là phải hiểu được người dân cùng các mối quan ngại của họ và tìm ra được giải pháp phù hợp. Theo ông, việc người dân thiếu lòng tin không chỉ riêng đối với các chính phủ, mà còn đối với các thể chế đa phương. "Thực tế là đối với Liên minh châu Âu, đối với Liên hợp quốc, và nhiều tổ chức khác, chúng ta cũng thấy tình trạng thiếu lòng tin (…). Chúng ta phải cải cách một cách sâu sắc các thể chế quốc tế để có thể đáp ứng những mong đợi của người dân trên thế giới này" - ông khẳng định.
Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh các chính phủ và các tổ chức quốc tế phải phát triển khả năng phân tích, thảo luận và xem xét những cách thức quản lý trong các lĩnh vực mới về phát triển khoa học và công nghệ - những lĩnh vực mấu chốt đối với các thế hệ tương lai.