Sử sách xưa ghi lại, mùa xuân năm Mậu Thìn 968, cách đây 1.049 năm, trên mảnh đất Trường Yên, Đinh Bộ Lĩnh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thống nhất 12 sứ quân - lên ngôi Hoàng đế, lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, chọn Hoa Lư làm Kinh đô, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.
Với ý nghĩa to lớn đó, Lễ hội Hoa Lư hàng năm trước hết là lễ hội truyền thống của chính những cư dân vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Cộng đồng dân cư nơi đây chính là chủ thể sáng tạo, bảo tồn, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa của lễ hội này. Thông qua các phần tế lễ cổ truyền, người dân gửi vào đó những nét văn hóa tâm linh, niềm tự hào về truyền thống văn hóa của địa phương, quê hương mình.
Thi mâm ngũ quả tiến Vua.
Năm nay, tế Cửu khúc được phục dựng và đưa vào tế lễ vào tối mùng 4 và 6/4 (8-10/3 âm lịch) đã thu hút đông đảo con em quê hương Trường Yên và du khách ham gia dự xem. Cùng với đó là Lễ rước nước thành tâm và rực rỡ mang thông điệp của dân cư vùng nông nghiệp lúa nước cùng cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân no ấm.
Ngoài ý nghĩa tôn vinh bản sắc văn hóa của chính người dân địa phương vùng di sản, Lễ hội Hoa Lư còn là nơi các sắc thái văn hóa độc đáo của nhiều cộng đồng dân cư, ở các địa phương khác cùng được dịp thể hiện, thăng hoa. Đó là điệu múa trống Khánh Tiên tình tang, rộn ràng hòa quyện cùng những nhịp chiêng cổ trầm hùng mang hồn thiêng sông núi của đất rừng Nho Quan.
Là làn điệu chèo Khánh Mậu, Khánh Cường (Yên Khánh) ngọt ngào mê đắm song hành cùng điệu xẩm huê tình ngọt ngào nhưng nao nao nỗi buồn thương da diết về những phận người, cảnh đời. Là sự sôi nổi, vui tai, đẹp mắt của đội múa Lân, múa Rồng của xã Ninh An, Ninh Vân (Hoa Lư) cổ vũ cho những đô vật đến vùng đất Kim Sơn, Yên Khánh...
Sự đa dạng các sắc thái văn hóa đã làm cho lễ hội Hoa Lư có sức sống, sự hấp dẫn riêng, khẳng định sự phát triển giàu có và năng động về văn hóa của cộng đồng các địa phương trong tỉnh. Điều này ngày càng được thể hiện bằng việc Ban Tổ chức lễ hội đã từng bước kiện toàn và huy động sự vào cuộc của tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, để mỗi địa phương là một sắc thái văn hóa riêng phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên nhưng không đối chọi, loại trừ nhau mà bổ sung, ảnh hưởng lẫn nhau, tạo thành và làm tôn nên "tính thống nhất trong đa dạng" của văn hóa lễ hội Hoa Lư.
Múa rối nước tại Lễ hội.
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, ngoài phần lễ diễn ra thành kính, trang nghiêm và linh thiêng, phần hội cũng đã cơ bản thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của con cháu vua Đinh và du khách thập phương. Đêm khai mạc với phần hội lung linh sắc màu đã tái hiện lại cho người xem một không khí hào hùng của quá trình hình thành và thu phục các sứ quân thống nhất giang sơn, đăng quang Hoàng đế của Đinh Tiên Hoàng, đồng thời quảng bá di sản văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên, còn người trên mảnh đất Cố đô lịch sử, giáo dục cho các thế hệ tương lai phải có trách nhiệm bảo tồn và gìn giữ những di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp mà các bậc cha ông ngày xưa đã truyền lại.
Ông Trần Văn Bổn, xã Yên Lộc (Kim Sơn) không quản ngại đường sá xa xôi lên dự Lễ khai mạc lễ hội trầm trồ: "Không chỉ là sự hoành tráng làm mãn nhãn cho người xem bởi quy mô sân khấu và sự kết hợp hài hòa giữa ánh sáng và âm thanh hiện đại, mà sâu trong đó là một thông điệp lớn, khẳng định một Ninh Bình hôm nay - một vùng non nước tươi đẹp, trữ tình, cảnh quan thiên nhiên hiếm có, đời sống người dân no đủ và đang ngày càng phát triển đa dạng trong thống nhất, tạo nên sự phấn khởi, vui tươi, thi đua lao động, sản xuất trong lớp lớp những người dân Ninh Bình đang cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng no ấm, bình yên, hạnh phúc."
Theo nhiều du khách tham gia lễ hội, 3 ngày diễn ra lễ hội là đan xen, tiếp nối và liên tục những hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian, các hoạt động nghệ thuật…, khiến người dự hội khó có thể dứt ra để về. Đặc biệt, thời tiết những ngày diễn ra lễ hội khá mát mẻ và mang đậm không khí mùa xuân với phảng phất mưa phùn, gió se se lạnh càng tạo điều kiện cho du khách tham gia lễ hội với tâm thế vui vẻ, sảng khoái, thoải mái nhất, để "đã đến với hội là không muốn về".
Chị Đinh Thị Thảo Hà, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: Là người con quê hương đi làm ăn xa nhưng nhiều năm nay tôi đều cùng gia đình về dự hội. Không chỉ là ngày hội của quê hương, đối với tôi đây thêm một dịp để gặp gỡ, đoàn viên gia đình.
Và đặc biệt hơn, tham gia các hoạt động lễ hội là cơ hội để các con tôi có dịp được tìm hiểu về truyền thống, văn hóa của tổ tiên, nguồn cội. Gia đình tôi tham gia hầu hết các hoạt động nổi bật của phần lễ và phần hội, cảm thấy quy mô tổ chức và các điều kiện chuẩn bị cho lễ hội năm nay chu đáo, trang trọng và đẹp hơn năm ngoái.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư 2017, Lễ hội Hoa Lư năm nay là năm thứ hai được thực hiện theo Kịch bản lễ hội đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Trong Kế hoạch tổ chức lễ hội cũng đã xác lập các nội dung về quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức, xác lập cụ thể các nội dung hoạt động về tuyên truyền, về thực hiện phần lễ và các hoạt động trong phần hội; phân công nhiệm vụ cụ thể, xác lập rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trong từng nội dung hoạt động tại lễ hội, đồng thời tham mưu Ban Tổ chức tiến hành các hội nghị, cuộc họp triển khai thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức được phân công nhiệm vụ tại lễ hội đã xây dựng các phương án, kế hoạch, chương trình, nội dung chi tiết những phần việc được phân công và chỉ đạo triển khai thực hiện theo Kế hoạch của Ban Tổ chức, từ đó tạo thành một khối thống nhất hoạt động hiệu quả, hài hòa, trách nhiệm.
Điểm nổi bật trong lễ hội năm nay là ngoài việc tổ chức chương trình khai mạc lễ hội với quy mô hoành tráng, xứng tầm, còn có việc phục dựng lại một số nghi lễ từng bị thất truyền, đảm bảo tính trang nghiêm, phù hợp với văn hóa lễ hội truyền thống.
Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; những trò chơi dân gian đậm nét truyền thống của các địa phương, mang bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được khôi phục, mở rộng, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa, những giá trị truyền thống của quê hương; tạo điểm nhấn thôi thúc đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, chiêm bái, tạo nên sự thành công ngoài mong đợi cho Lễ hội Hoa Lư 2017.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để BTC lễ hội Hoa Lư tỉnh tiếp tục chuẩn bị các điều kiện tổ chức Lễ kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, thành lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức vào năm 2018.
Mỹ Hạnh