Đền Thái Vi thuộc địa phận thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Theo các nghiên cứu từ sử liệu ghi lại, đền Thái Vi thờ các vua nhà Trần là: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông. Ngôi đền đầu tiên nơi này được xây dựng ngay sau khi công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông thắng lợi năm 1258, khi vua Trần Thái Tông quyết định nhường ngôi cho con rồi lui về vùng núi non này lập am Thái Vi để xuất gia tu hành. Sau này các vị vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông cũng xuất gia tại đây.
Nhà nghiên cứu Lã Đăng Bật trong cuốn Di tích -Danh thắng Ninh Bình (2002) cũng đã viết: "Để tưởng nhớ các vua Trần đã lập Hành Cung Vũ Lâm, sau khi họ mất, nhân dân thôn Văn Lâm đã xây dựng đền Thái Vi trên nền đất cũ trước đây vua Trần Thái Tông đã dựng am Thái Vi, tên là Thái Vi Từ. Gọi là Thái Vi vì nó là nơi Hoàng đế nhà Trần xuất gia". Đền có kiến trúc theo kiểu "Nội công ngoại quốc", tất cả các cột đều làm bằng đá xanh nguyên khối, chạm khắc rất tỉ mỉ, công phu, đường nét hoa văn tinh xảo, tao nhã, uyển chuyển. Những hoa văn này cộng với kiến trúc tổng thể của ngôi đền được giới nghiên cứu đánh giá rất cao bởi giá trị mỹ thuật, kiến trúc của nó. Kể từ khi đền được xây dựng đến nay, đã qua nhiều lần tu sửa song về cơ bản đền vẫn giữ được những vẻ đẹp vốn có của mình.
Theo các nhà nghiên cứu, điểm đặc biệt của đền Thái Vi còn ở chỗ chính địa điểm xây dựng ngôi đền này được người xưa lựa chọn có chủ ý. Ngôi đền tọa lạc trong một không gian "sơn thủy hữu tình" với "non kỳ, thủy tú" khiến du khách phải nao lòng khi đến đây. Kiến trúc ngôi đền rất ăn nhập, hài hòa với không gian xung quanh, tạo ra vẻ u linh trầm mặc, đồng thời cũng đem lại cảm giác yên tĩnh, thư thái đặc biệt cho những ai đến đây thưởng ngoạn. Điều này lý giải vì sao hàng mấy trăm năm trước Trần Thái Tông đã chọn nơi đây làm nơi dựng am, tu hành. Qua thời gian với giá trị về lịch sử, văn hóa của mình, đền Thái Vi một mặt trở thành địa điểm sinh hoạt tâm linh của cộng đồng dân cư địa phương, mặt khác đền trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Cũng theo cuốn Di tích -Danh thắng Ninh Bình (Lã Đăng Bật) để tưởng nhớ công lao các vua nhà Trần, hàng năm vào ngày 14/3 (âm lịch), lễ hội đền Thái Vi đã được tổ chức. Ngày xưa lễ hội đền Thái Vi được liệt vào hàng quốc lễ, việc tế tự do triều đình và các quan lại thực hiện theo lệnh vua. Ngày nay lễ hội đền Thái Vi đã phần nào được dân gian hóa, trở thành hội làng, hội được mở từ ngày 14/3 đến ngày 17/3 âm lịch hàng năm. Cũng như nhiều lễ hội khác, về cơ bản hình thức tổ chức lễ hội đền Thái Vi cũng chia làm 2 phần: phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động. Phần lễ có hoạt động tế tự và rước kiệu, phần hội thường tổ chức các trò vui chơi dân gian như: múa rồng lân, đấu vật, đánh cờ, thi bơi thuyền...
Cũng theo cuốn Di tích -Danh thắng Ninh Bình của nhà nghiên cứu Lã Đăng Bật, lễ hội đền Thái Vi tổ chức rước kiệu. Trong những ngày lễ hội, đoàn rước kiệu mặc phẩm phục thường đi thành hàng dài với kiệu bát cống, trống, cờ ngũ hành, trên kiệu đặt bài vị các vua Trần, hoặc hoàng hậu, công chúa, kiệu có lọng che màu đỏ. Theo sau là kiệu 4 người khiêng với hương nhang lễ vật, theo sau là phường bát âm, ban tế đi hàng đôi, vị chủ tế dẫn đầu đoàn. Thông thường đoàn rước kiệu không chỉ có một đoàn mà nhiều đoàn rước kiệu từ khắp nơi trong huyện, một số nơi trong tỉnh rước về đền Thái Vi. Đoàn rước kiệu với kiệu sơn son thiếp vàng lộng lẫy, người dân ăn vận lễ phục, tiếng nhạc lễ vang lừng, đoàn người nối bước đi theo thành những hàng dài gợi không khí vừa náo nhiệt, sinh động, vừa linh thiêng, thành kính. Đám rước kiệu là một hình thái sinh hoạt lễ hội rất đặc trưng, là điểm nhấn trong tổng thể không gian sinh hoạt lễ hội đền Thái Vi, tạo nên sức hút đặc biệt với du khách. Người dân đến với lễ hội, tham gia vào đoàn rước chính là được đắm mình vào không khí lễ hội, tự mình trải nghiệm nét văn hóa tâm linh độc đáo của lễ hội này.
Hoạt động tế lễ diễn ra sau nghi lễ rước sách. Tế lễ là một nghi lễ quan trọng trong lễ hội đền Thái Vi. Tế lễ thực hiện với một ban tế gồm nhiều người, người chủ tế thường là bậc cao niên, có uy tín trong cộng đồng địa phương được cử ra hành lễ. Trong không khí linh thiêng thành kính, khúc văn tế được ngân lên, phối hợp nhịp nhàng với các động tác của ban tế. Nội dung khúc văn tế là những dòng ca ngợi công đức của các vị vua Trần, công lao của các vị này với dân tộc và với cộng đồng dân cư địa phương. Hoạt động tế lễ vừa thể hiện nghi thức sinh hoạt mang nặng tính tâm linh vừa là hình thức tôn vinh những nhân vật có công lao với nước theo một hình thái dân gian hóa. Phía sau nghi lễ tế tự ẩn chứa tinh thần kính ngưỡng các bậc tiền nhân, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Với vị trí tọa lạc hiện tại, đền Thái Vi nằm gần tuyến du lịch Tam Cốc - Bích Động, lại cách không xa khu danh thắng Tràng An, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư...Vị trí "đắc địa" ấy rất tiện cho khách du lịch ưa thực hiện các tua du lịch tâm linh kết hợp điền dã sinh thái. Điều đó cũng lý giải vì sao đền Thái Vi luôn tạo được sức hút đối với khách du lịch, đặc biệt là các du khách ngoại quốc.
Mai Phương