Đền kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (Hán tự), Tiền đường 5 gian, Chính cung 3 gian. Bên tả, bên hữu của Tiền đường có 2 cột đồng trụ, bên trong Tiền Đường có hương án, giá trống, giá chiêng và 3 bức đại tự là tấm lòng thành kính và ngưỡng mộ của nhân dân huyện Kim Sơn đối với Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Gian giữa của Chính Cung 3 gian là nơi để bàn thờ Nguyễn Công Trứ. Trên bàn thờ có một bát hương bằng men sứ trắng, cao 40cm, họa tiết màu xanh thẫm vẽ hình lưỡng long chầu nguyệt. Tương truyền, đây là bát hương cổ rất quý có từ đời nhà Trần. Hai gian bên của Chính Cung là hai bàn thờ để bài vị lớn thờ 62 cụ chiêu mộ, nguyên mộ có công khẩn hoang cùng Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Theo ông Trần Quốc Việt, Thủ từ đền thờ Nguyễn Công Trứ cho biết: Đền không đặc biệt về mặt kiến trúc mà độc đáo ở chỗ được xây dựng từ khi ông Nguyễn Công Trứ vẫn đang còn sống. Tiền thân của ngôi đền là căn nhà ba gian của Nguyễn Công Trứ ngự tại ấp Lạc Thiện. Đây là nơi để ông đi về và làm việc trong suốt quãng thời gian sống tại Kim Sơn.
Năm 1852, nhân dân Kim Sơn xây dựng, cải tạo lại thành ngôi Sinh Từ (tức đền thờ sống). Hàng năm, vào dịp sinh nhật của Nguyễn Công Trứ, nhân dân nơi đây lại mở hội mừng thọ ông. Sau khi ông mất, người dân Kim Sơn xây dựng thêm một tòa nữa bên cạnh gian nhà cũ gọi là Tiền đường là nơi thờ Nguyễn Công Trứ. Còn gian nhà cũ được dùng làm Chính cung. Từ đây, ngôi đền được đổi tên thành Truy Tư Từ. Năm 1992, đền thờ Nguyễn Công Trứ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Từ đó đến nay, đền thờ Nguyễn Công Trứ đã được tôn tạo, tu bổ nhiều lần bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa. Cơ sở vật chất được hoàn thiện đã góp phần quan trọng để lễ hội đền Nguyễn Công Trứ được tổ chức hàng năm.
Ông Phạm Văn Tăng, Phó phòng Văn hóa - Thông tin cho biết: Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ là lễ hội lớn nhất của người dân huyện Kim Sơn. Do đó, để lễ hội được diễn ra an toàn và văn minh, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các xã thị trấn phối hợp tổ chức thực hiện; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.
Yêu cầu đặt ra là lễ hội được tổ chức trang trọng, an toàn và văn minh đúng quy định của Nhà nước. Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ bao gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là nghi thức dâng hương tại đền thờ Nguyễn Công Trứ với sự tham gia của hàng trăm đoàn tế lễ từ các làng trên địa bàn huyện Kim Sơn. Trong 3 ngày, các phần tế Cáo yết, Chính kỵ và tế Tạ sẽ được diễn ra.
Phần hội có các trò chơi đua thuyền trên nhánh sông Vạc - một đặc trưng của lễ hội cư dân đồng bằng ven biển. Cùng với đó là các trò chơi dân gian như tổ tôm, cờ người, chọi gà, đập niêu, kéo co hay các trò chơi mang tính hiện đại như bóng đá, bóng chuyền...
Ban đêm, lễ hội thường diễn ra những chương trình văn hóa văn nghệ đặc sắc. Các tiết mục đều do chính người dân địa phương biểu diễn, điển hình như phần thi hát ca trù, loại hình dân ca liên quan nhiều đến Doanh điền sứ. Đây chính là nét độc đáo của lễ hội đền Nguyễn Công Trứ. Có thể thấy, bên cạnh yếu tố tâm linh trong việc tổ chức các hoạt động tế lễ thì Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ được tổ chức hàng năm đã và đang góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc, đó là các làn điệu ca trù đặc sắc mang nhiều giá trị nhân văn.
Hơn thế, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ còn là dịp để tập hợp sự tham gia của cả người Lương và người Giáo, thắt chặt tình đoàn kết Lương - Giáo.
Theo thông tin từ huyện Kim Sơn, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày 12-14/11 âm lịch, tức ngày 7-9/12/2019. Hiện nay, công tác chuẩn bị đang được địa phương triển khai tích cực. Việc tổ chức thành công Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ năm nay còn mang ý nghĩa quan trọng, đó là hướng tới Năm Du lịch quốc gia 2020 do tỉnh ta đăng cai tổ chức.
Bài, ảnh: Thái Học