Đặc biệt, Hiến pháp sửa đổi lần này nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) bởi cùng với việc tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức Công đoàn Việt Nam, Hiến pháp còn bổ sung vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước và người đứng đầu tổ chức Công đoàn, thể hiện tại các điều 10, 101 và 116.
Đồng chí Lê Mai Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: So với trước đây, Điều 10 Hiến pháp (sửa đổi) có một số điểm mới rất quan trọng. Đó là việc khẳng định công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện. Đây là nguyên tắc cơ bản của tổ chức Công đoàn, lần đầu tiên được khẳng định và thể hiện trong Hiến pháp và đây cũng là thông lệ chung được quy định trong các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 10 Hiến pháp (sửa đổi) cũng đã bỏ cụm từ "Công đoàn cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp..." như vậy là hoàn toàn phù hợp vì một trong những yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thể hiện và phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Vì vậy bỏ cụm từ "cùng với" là để phân định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với người lao động, tránh chồng chéo dẫn đến tình trạng có thành tích thì tất cả đều nhận về mình, có khuyết điểm thì đùn đẩy không ai chịu trách nhiệm.
Thể hiện sự tâm đắc với những điểm mới của Hiến pháp liên quan đến tổ chức công đoàn, đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Mô cho rằng: Qua theo dõi từ thực tiễn cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể nhận thấy hầu hết những ý kiến đóng góp của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vào Hiến pháp 1992 về việc sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 10 đã được các đại biểu Quốc hội chú ý lắng nghe, thấu hiểu và được thể hiện rõ ở bản Hiến pháp mới. Nếu Điều 10 Hiến pháp, năm 1992 quy định Công đoàn chỉ tham gia kiểm tra, giám sát, thì lần sửa đổi này không chỉ quy định Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát mà còn "tham gia thanh tra" hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Điều 10 Hiến pháp (sửa đổi) cũng quy định đầy đủ, cụ thể và rõ hơn về trách nhiệm của công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật. Nhìn chung, đây là những quy định mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với Cương lĩnh của Đảng về phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.
Phân tích ý nghĩa của những điểm mới này, đồng chí Lê Mai Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết thêm: Các điểm mới bổ sung của Hiến pháp đã tạo cho Công đoàn Việt Nam có vị trí và vị thế đặc biệt (có 1 điều riêng) so với các tổ chức chính trị - xã hội khác, phù hợp với sự phát triển qua các giai đoạn lịch sử của nước CHXHCN Việt Nam trên con đường trở thành một nước công nghiệp hiện đại; đồng thời cũng là thách thức cho tổ chức Công đoàn các cấp cần có sự đổi mới về nội dung, phương pháp hoạt động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới để khẳng định và nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ của tổ chức đã được đề ra trong bản Hiến pháp.
Để việc triển khai tuyên truyền Hiến pháp đảm bảo kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả và tiết kiệm, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch để triển khai tuyên truyền trong các cấp công đoàn và CNVCLĐ trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo đó, nội dung tuyên truyền gồm những nội dung cơ bản của Hiến pháp, trong đó nhấn mạnh những điểm mới liên quan đến tổ chức công đoàn.
Đối với cấp tỉnh, trong tháng 3, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai tới toàn thể cán bộ công đoàn chuyên trách và một số doanh nghiệp có đông CNLĐ; cung cấp đề cương tuyên truyền, đăng tải nội dung của Hiến pháp trong Bản tin Lao động và Công đoàn hàng quý. Đối với LĐLĐ cấp huyện, công đoàn ngành, trong tháng 4, các cấp công đoàn tập trung tổ chức tuyên truyền những nội dung cơ bản của Hiến pháp tới đội ngũ cán bộ công đoàn toàn tỉnh; tuyên truyền những nội dung liên quan đến tổ chức công đoàn tới đoàn viên, CNVCLĐ trong dịp tháng 5-Tháng công nhân, trong đó chú trọng các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động; vai trò của Công đoàn đại diện cho người lao động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Đồng thời chỉ đạo các Công đoàn cơ sở vận động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam" theo Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp. Đối với Công đoàn cơ sở, tham mưu với lãnh đạo đơn vị tổ chức tuyên truyền Hiến pháp tới cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; đối với công nhân lao động trong doanh nghiệp, lựa chọn những nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân, người lao động, vai trò của tổ chức công đoàn để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ, tư vấn pháp luật, sinh hoạt công đoàn...
Duy Hiền