Hiện nay, toàn tỉnh có 20.900 nữ CNVC-LĐ, chiếm 33% tổng số CNVC. Kết quả khảo sát của LĐLĐ tỉnh về tình hình việc làm và đời sống của CNVC- LĐ cho thấy: Trên 90% nữ CNLĐ có việc làm thường xuyên với thu nhập từ 1.000.000-3.000.000 đồng/người/tháng.
Việc thực hiện pháp luật lao động ở một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung được thực hiện tốt, các đơn vị bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng như: Việc làm, tiền công, thời gian làm việc, chế độ thai sản, ốm đau, chế độ BHXH, BHYT… cho nữ CNVC-LĐ.
Mặt khác, nhằm giúp chị em có vốn phát triển kinh tế gia đình, các công đoàn cơ sở (CĐCS) xây dựng Quỹ "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" với tổng số tiền 1 tỷ 224 triệu đồng, tổng số vốn vay các dự án xóa đói, giảm nghèo trong CNVC đạt gần 14 tỷ đồng, trong đó, vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm của Tổng LĐLĐ Việt Nam do LĐLĐ tỉnh trực tiếp quản lý 12 dự án với tổng số vốn 950 triệu đồng (đối tượng vay chủ yếu là nữ) đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong CNVC-LĐ xuống dưới 0,7%.
Ngoài ra, các cấp công đoàn còn đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tình nghĩa, phát động quỹ "Xóa nhà tranh, vách đất", quỹ "Mái ấm công đoàn" trong CNVC-LĐ với số tiền trên 600 triệu đồng.
CĐCS khối hành chính sự nghiệp còn phối hợp với cơ quan chuyên môn tạo điều kiện cho nữ CNVC-LĐ tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Số lượng và chất lượng của đội ngũ nữ CNVC-LĐ được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, tổng số nữ có trình độ đại học là gần 5.000 chị, trình độ cao đẳng là 4.519 chị, 118 chị có trình độ cao cấp và cử nhân chính trị... Do đó, tỷ lệ nữ được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể và các tổ chức xã hội ngày càng tăng. Công tác tạo nguồn quy hoạch cán bộ nữ ngày càng được quan tâm…
Tại Hội nghị, các đại biểu đóng góp ý kiến, đề đạt các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn các chế độ, chính sách đối với nữ CNVC-LĐ trong thời gian tới.
Thu Hằng