Tuổi đời còn trẻ, va chạm xã hội ít nên kiến thức về các tệ nạn xã hội, về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS của nhiều công nhân còn hạn chế. Mặc dù chưa phát hiện nhiều trường hợp nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS trong công nhân lao động, song nguy cơ tiềm ẩn thì rất lớn. Trước thực trạng đó, LĐLĐ huyện đã phối, kết hợp cùng các ngành, chính quyền địa phương, chỉ đạo các công đoàn cơ sở (CĐCS) triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp CNVC-LĐ nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm.
Ngay từ đầu năm, các hoạt động tuyên truyền đã được LĐLĐ huyện triển khai sâu rộng đến đông đảo CNVC-LĐ trên địa bàn. Cụ thể, thông qua các buổi tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, các buổi sinh hoạt công đoàn, sinh hoạt các câu lạc bộ nữ công, LĐLĐ huyện đã lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống ma túy, kiến thức về HIV/AIDS cho cán bộ CĐCS, CNVC-LĐ. Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, đồng thời trang bị những tài liệu, sách báo cho đội ngũ cán bộ CĐCS để các "tuyên truyền viên" này thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền kiến thức về ma túy, HIV/AIDS tới người lao động.
Đặc biệt, hưởng ứng đợt cao điểm phòng, chống ma túy, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6) vừa qua, LĐLĐ huyện đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề, giới thiệu đến các cán bộ công đoàn, công nhân lao động về Chỉ thị số 21-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy... Tại buổi nói chuyện, các đoàn viên công đoàn đã được xem những hình ảnh minh họa, những ví dụ cụ thể và cùng tham gia, theo dõi các tiểu phẩm liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS. Những nỗi đau, sự ân hận muộn màng của người không may nhiễm HIV/AIDS được dàn diễn viên không chuyên thể hiện xuất sắc. Qua đó, giúp người xem cảm nhận được ý nghĩa tươi đẹp của cuộc sống.
Tuy nhiên, đồng chí Đinh Thị Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện cho rằng: "Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng thực trạng tệ nạn xã hội hiện nay đang đặt ra cho tổ chức công đoàn những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Việc tổ chức những hội nghị tuyên truyền là rất cần thiết, nhưng khó có thể thực hiện được thường xuyên. Và nếu có tổ chức được, thì cũng không phải công nhân nào cũng có thể tham dự. Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS căn cứ vào tình hình thực tiễn đơn vị mình để chủ động lập kế hoạch tổ chức tuyên truyền tới tận các phân xưởng. Để công nhân vừa làm việc, lại có thể lắng nghe và nắm bắt được nội dung của bản tin tuyên truyền". Và thực tế, thời gian qua đã có nhiều CĐCS ngoài quốc doanh làm tốt nhiệm vụ này như: Tập đoàn xi măng The Vissai, Công ty TNHH May Đài Loan, Công ty TNHH Thái Bình Dương...
Ông Nguyễn Văn Cần, Chủ tịch công đoàn Tập đoàn xi măng The Vissai chia sẻ: Do đặc thù công việc nên chúng tôi không thể thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt tập thể, nói chuyện chuyên đề cho công nhân. Mà phải nhờ đến công cụ hữu hiệu là hệ thống loa truyền thanh. Những bản tin, những nội dung về công tác phòng, chống ma túy, những kiến thức nhằm tránh lây nhiễm HIV/AIDS được chúng tôi biên soạn cho "mềm mại", dễ hiểu để phát liên tục trên hệ thống loa truyền thanh. Nhờ đó, dù đang làm việc tại phân xưởng, công nhân vẫn có thể lắng nghe được nội dung của bản tin tuyên truyền. Đây cũng là hình thức tuyên truyền được hầu hết doanh nghiệp ứng dụng. Những hình thức tuyên truyền này thực sự có tác động mạnh đến nhận thức của đội ngũ người lao động.
Anh Tạ Văn Tuấn - công nhân của Tập đoàn xi măng The Vissai cho biết: Thực tế, chúng tôi không có nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin về các vấn đề xã hội. Do đó, kiến thức về ma túy và HIV/AIDS rất hạn chế. Tuy nhiên, thông qua các hình thức tuyên truyền mà các cấp công đoàn triển khai trong thời gian qua, đã giúp chúng tôi nhận rõ: Phải tránh xa ma túy, mại dâm để bảo vệ cuộc sống của chính mình và góp phần làm lành mạnh đời sống xã hội.
Thu Hằng