Chiều 8/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Văn Phương, TUV, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Ngọc Hà, TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Sở Nội vụ; các Ban của HĐND tỉnh; Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã.
Các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trước Quốc hội, HĐND, trước cử tri cả nước; giúp những người này biết rõ hơn sự đánh giá, nhìn nhận của đại biểu Quốc hội, HĐND về mức độ tín nhiệm đối với mình trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, qua đó có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động. Đồng thời tập trung đóng góp ý kiến làm rõ một số vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục, đối tượng, thời gian lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm… Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm của HĐND, có ý kiến cho rằng cần làm rõ khái niệm "lấy phiếu đối với các thành viên khác của UBND" tại khoản b, Điều 1 để đảm bảo tính thống nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, nên lấy phiếu tín nhiệm với cả Trưởng các Ban kiêm nhiệm và các Phó trưởng Ban chuyên trách của HĐND.
Về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu, một số ý kiến đề nghị mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND nên tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (kỳ họp cuối năm thứ 3), làm như vậy sẽ gắn với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ, không gây áp lực, để cán bộ mạnh dạn "dám nghĩ, dám làm", từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Ngoài ra, với khoảng thời gian này, người được lấy phiếu tín nhiệm cũng có thời gian, điều kiện để tự soi mình, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì phải tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay không nên để đến kỳ họp sau.
Ý kiến khác cho rằng, Quốc hội, HĐND nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hàng năm tại kỳ họp thường lệ cuối năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trước Quốc hội, HĐND và cử tri cả nước.
Về mức đánh giá, có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định 2 mức độ "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp" (hoặc "không tín nhiệm") đối với quy trình lấy phiếu tín nhiệm bởi lẽ việc quy định ba mức độ đánh giá tín nhiệm khó dẫn đến việc xử lý được cán bộ chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Ngoài ra trong trường hợp người lấy phiếu tín nhiệm có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì nên tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay chứ không cần đến trên hai phần ba tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" như quy định của dự thảo.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Phương, TUV, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, cảm ơn và xin tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, khẳng định đây là nguồn thông tin quan trọng, khoa học để Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu, tiếp thu làm cơ sở góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Quốc Khang