Dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 2 tháng đầu năm, mặc dù tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, nhất là dịch bệnh Covid- 19 có tác động không nhỏ tới sản xuất và đời sống, nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục ổn định.
Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tốt, giá trị sản xuất đạt trên 11.450 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách đạt trên 3.669 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Riêng hoạt động du lịch bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19, số lượng khách đến thăm quan giảm 63,7% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy hơn 40.000 ha lúa đông xuân. Công tác kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi được thực hiện tốt. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 6 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020.
Công tác văn hóa, xã hội, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường và tập trung chỉ đạo tích cực; an ninh quốc phòng được giữ vững.
Về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid- 19, tính đến ngày 3/3 Ninh Bình không có trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng virus Corona mới. Công tác tuyên truyền, điều tra, giám sát, khoanh vùng, cách ly các đối tượng nghi ngờ được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Toàn tỉnh có 1.143 người được cách ly, theo dõi, giám sát; 49 trường hợp nghi ngờ mắc Covid- 19 được lấy mẫu xét nghiệm; 198 công dân từ nước ngoài trở về Việt Nam được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh và Trung đoàn 855.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tập trung vào các vấn đề: ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 đối với các ngành, lĩnh vực; tính toán thời gian cho học sinh trên địa bàn tỉnh đi học trở lại; việc tổ chức các lễ hội; vấn đề kích cầu du lịch; các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trong thời điểm dịch Covid- 19 vẫn đang có diễn biến phức tạp...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của các ngành, các cấp để đạt được những kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội và công tác phòng chống dịch bệnh Covid- 19 trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm. Với phương châm "Chống dịch như chống giặc; Chống trì trệ, đùn đẩy, giải quyết công việc chậm như chống giặc tham nhũng", đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành cần tập trung cao độ giải quyết các nhiệm vụ đã đặt ra.
Theo đó, Sở Công thương tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là nguyên liệu sản xuất và thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid- 19. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cao, các dự án có quy mô lớn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất, lưu thông nông sản của tỉnh, đảm bảo không bị ứ đọng cục bộ, phải thông báo đến người sản xuất để chủ động điều chỉnh sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống, khống chế dịch bệnh tả lợn Châu Phi, bệnh cúm gia cầm.
Đối với ngành Du lịch, chủ động trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ hoạt động du lịch đến với tỉnh ta. Chủ động tìm các giải pháp để thu hút khách du lịch, các biện pháp kích cầu, xây dựng các tour trọn gói giá rẻ cho du khách. Đối với hoạt động văn hóa, đồng chí thống nhất Lễ hội cố đô Hoa Lư chỉ làm phần lễ, không làm phần khai mạc và phần hội, các hoạt động văn nghệ thể thao khác tiếp tục dừng lại.
Sở Tài chính đôn đốc quyết liệt việc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư XDCB quá thời hạn phải thu hồi đối với các dự án do tỉnh quản lý; trực tiếp chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh, gia hạn thời gian thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công và nghiệm thu khối lượng hoàn thành để hoàn ứng. Đặc biệt là cân đối ngân sách đảm bảo phòng chống dịch và phục vụ các nhiệm vụ đột xuất trong chỉ đạo phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư rà soát, điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án, cắt giảm hạng mục đầu tư, tổng mức đầu tư và thực hiện thủ tục phê duyệt lại dự án, xác định danh mục các dự án giãn, hoãn tiến độ đầu tư đối với các dự án không bố trí vốn đảm bảo hoàn thành theo thời gian quy định.
Khẩn trương đôn đốc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, hoàn thành trước 31/3 để báo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng phê duyệt.
Chủ trì phối hợp với Cục Thống kê, các ngành, các địa phương nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh, thường xuyên báo cáo tham mưu các giải pháp để kịp thời chỉ đạo, điều hành chung, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid- 19.
Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trên địa bàn tỉnh; tập trung đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh ở mọi ngành, mọi lĩnh vực; giải quyết sớm các thủ tục đầu tư cho những dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân....
Hồng Giang - Anh Tuấn