Tại thời điểm năm 2011, qua điều tra khảo sát thực trạng và đối chiếu với bộ tiêu chí, Lạng Phong mới chỉ có 2/19 tiêu chí đạt là tiêu chí số 16 (văn hóa) và tiêu chí số 19 (an ninh trật tự xã hội). Tỷ lệ hộ nghèo của xã thời điểm đó còn cao (7,83%), hơn 80% dân số sống dựa vào nông nghiệp, thu nhập mới đạt 12 triệu đồng/người/năm, dịch vụ thương mại chưa phát triển. Kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn chế: Mới chỉ đổ nhựa được 0,9 km đường trục chính, đường thôn xóm lầy lội; hệ thống thủy lợi nội đồng, kênh mương chưa được cứng hóa. Ngân sách địa phương hạn hẹp, nguồn thu ít, kinh phí đầu tư cho giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa lớn vượt ra ngoài khả năng của địa phương và sự đóng góp của nhân dân.
Đồng chí Lê Xuân Chúc, Chủ tịch UBND xã Lạng Phong cho biết: Trên cơ sở hiện trạng như vậy, Đảng bộ và nhân dân trong xã đặt ra quyết tâm cao, triển khai đồng loạt các giải pháp, biện pháp: tập trung phát triển sản xuất, ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân; huy động mọi nguồn lực vào XDNTM… phấn đấu về đích giai đoạn 2011-2015.
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, trong 3 năm qua, xã đã tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào đồng ruộng: gieo sạ, sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống, cơ giới hóa các khâu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng phát triển cây vụ đông… đưa doanh thu hiện nay đạt 150 triệu đồng/ha canh tác. Xã cũng đã thực hiện thành công việc "Dồn điền, đổi thửa" gắn với chỉnh trang đồng ruộng và hiện còn bình quân 2,5 thửa/hộ.
Ngay sau đó, xã đã dồn đổi được 22 ha đất lúa kém hiệu quả và nguồn đất công ích giao cho một số hộ gia đình chuyển đổi hình thức canh tác theo mô hình lúa-cá, trồng cây ăn quả. Các hộ gia đình đã đầu tư từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng phát triển mô hình triển vọng cho thu nhập cao. Trên địa bàn xã còn có nhiều mô hình chăn nuôi: Lợn, chim bồ câu, thỏ, gà thả vườn, vịt, trâu bò, nuôi cá lồng… theo quy mô lớn cho thu nhập bình quân mỗi hộ từ 100-300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Ngoài ra xã còn có một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp: gạch bê tông, làm bún, bánh phở, cơ khí, mộc, vận tải đường bộ và đường thủy cho thu nhập từ 50 đến 500 triệu đồng/năm… Đến nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 26,205 triệu đồng/người/năm, tăng 8,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 còn 1,85%. Để xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa xã hội, xã tập trung làm tốt công tác huy động các nguồn vốn. Hơn 3 năm qua xã đã huy động được hơn 141,2 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Trung ương 5,4 tỷ, ngân sách tỉnh 36 tỷ, ngân sách huyện 14,7 tỷ, ngân sách xã 3,2 tỷ, vốn vay tín dụng 33,2 tỷ, nhân dân đóng góp 45,2 tỷ, doanh nghiệp 0,23 tỷ, vốn lồng ghép 3,3 tỷ vào chương trình XDNTM…
Đến thời điểm hiện tại, theo đánh giá của Ban chỉ đạo XDNTM xã, Lạng Phong đã có 18/19 tiêu chí đạt (riêng tiêu chí chợ không thực hiện) so với bộ tiêu chí Quốc gia. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định công nhận Lạng Phong là xã đã đạt nông thôn mới.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, bài học kinh nghiệm ở đây là: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM phải lấy dân làm gốc; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục; nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; thực hiện nghiêm túc các quy định, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị; tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch nguồn ngân sách phục vụ cho XDNTM…
Trường Sinh