Chưa đầy 2 năm phát triển mô hình, đến nay gia đình anh Phạm Ngọc Thủy, thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong đã có khoảng 400 cặp bồ câu bố mẹ sinh sản và luôn có 100 cặp bồ câu giống hậu bị sinh sản để phục vụ nhu cầu con giống. Với mô hình nuôi chim bồ câu mỗi tháng, gia đình anh thu nhập trên dưới 10 triệu đồng và trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của xã, được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.
Anh Thủy cho biết:"Nuôi chim bồ câu không khó, bởi chúng rất ít bị bệnh lại dễ tính, chỉ cần chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng là được. Về nguồn thức ăn thì rất đơn giản, một ngày chim bồ câu ăn 2 bữa, chủ yếu là cám và gạo lứt cùng với nguồn nước uống sạch. Không phải lo về tiêu thụ sản phẩm, vì bồ câu là thức ăn quý và bổ dưỡng nên khách hàng thường vào tận nơi đặt hàng, nhiều khi không có đủ để cung cấp ra thị trường". Như vậy, mô hình nuôi chim bồ câu hứa hẹn sẽ là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nếu được nhân rộng cho các hộ lân cận trong xã tham quan, học tập sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đối với gia đình ông Lê Xuân Chắc, thôn Đá Thượng thì lại chọn một cách làm giàu khác đó là đầu tư trồng mướp hương. Đến thăm gia đình ông đúng vào thời điểm vườn mướp đang cho thu hoạch rộ, trên giàn hoa mướp vàng rực, dưới giàn những quả mướp dài treo tua tủa. Ông Chắc không giấu nổi niềm vui: nhờ trồng sớm nên ngay từ cuối tháng 4 mướp đã cho thu hoạch rộ, do đó bán rất được giá vì nhu cầu của thị trường tăng cao, có lúc gia đình đã bán tới 8 nghìn đồng/quả. Tuy bây giờ giá chỉ còn 3-4 nghìn đồng/quả nhưng tính ra với 2,5 sào mướp bèo nhất tôi cũng thu lời trên dưới 20 triệu đồng trong khi đó chi phí cho việc mua tre giàn, phân bón, thuộc BVTV chẳng đáng là bao. Ông Chắc cho biết thêm: trước đây mảnh đất này người dân đấu thầu để cấy lúa, năm nào được mùa lắm cũng chỉ thu lời vài trăm nghìn. Nay chuyển trồng mướp số tiền lãi tăng đến vài chục lần.
Không chỉ có anh Thủy, ông Chắc, để góp phần vào công cuộc xây dựng NTM, nhiều nông dân năng động khác ở xã Lạng Phong cũng đang tìm cho mình một hướng đi, cách làm phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Theo lãnh đạo xã Lạng Phong thì thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trong 3 năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó tập trung khắc phục những khó khăn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh thực hiện các mô hình nông nghiệp có hiệu quả như mô hình trồng lúa giống, mô hình sản xuất rau an toàn…
Chú trọng đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên xã đã giành được những kết quả đáng ghi nhận, năng suất cây trồng không ngừng tăng cao, chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy Nho Quan về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, đến nay 9/9 thôn của xã đã xây dựng xong phương án, trong đó có 5 thôn phấn đấu giao ruộng trong tháng 5-2014, 4 thôn còn lại giao ruộng trong tháng 6-2014. Mục tiêu sau dồn điền, đổi thửa mỗi hộ chỉ còn 1-3 thửa ruộng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Lạng Phong hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa, năng suất chất lượng cao.
Là một trong 3 xã của huyện Nho Quan phấn đấu về đích xây dựng NTM trong năm 2014 do vậy nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân đang là một trong những tiêu chí trọng tâm mà Lạng Phong đang hướng tới. Hiện Lạng Phong đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tổng hợp giúp người dân có kinh tế ổn định và hình thành những vùng sản xuất chuyên canh. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ có 11 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2013 đã tăng lên 18 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của xã chỉ còn 1,85%, giảm 5,98% so với năm 2010...
Bài,ảnh: Hà Phương