Yên Lâm là một xã xa trung tâm huyện nhưng hoạt động từ các làng nghề truyền thống khá sôi nổi và hiệu quả. Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hà (thôn Đông Đoài) khi cả gia đình đang miệt mài làm các sản phẩm cói, bèo xuất khẩu để kịp ngày giao nộp sản phẩm cho đại lý.
Vừa làm, chị Hà vừa kể: Nếu như trước đây, người dân trong xã chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì đời sống luôn khó khăn, nhất là khi con cái đến tuổi đi học hay khi gia đình có công, có việc. Khi nghề đan cói, bèo xuất khẩu được đưa về địa phương, bà con ai nấy đều phấn khởi và tham gia học nghề. Từ đó đến nay hầu như trong gia đình tôi và trong thôn Đông Đoài, ai cũng biết nghề, từ các cụ cao tuổi cho đến các cháu thiếu niên. Có nghề trong tay nên lao động nữ không phải đi làm ăn xa. ở nhà chỉ lo ruộng vườn và làm nghề cũng kín thời gian của nhà nông mà lại chăm sóc, quản lý được con cái. Thu nhập từ nghề tuy chỉ vài chục nghìn đồng một ngày công nhưng ở nông thôn lúc rảnh rỗi có thể huy động thêm con cái cùng làm nên thu nhập cũng khá hơn…
Ở Yên Lâm, không chỉ riêng gia đình chị Nguyễn Thị Hà mà hầu hết người dân địa phương đều tham gia làm nghề. Nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc duy trì nghề, nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của nghề, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia làm nghề. Với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, thời gian qua, các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, chế biến cói, bèo bồng xuất khẩu ở Yên Lâm được thành lập và hoạt động hiệu quả, là địa chỉ chuyên cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm làm ra cho người lao động.
Để các sản phẩm cói, bèo xuất khẩu đáp ứng nhu cầu của thị trường, cùng với việc các doanh nghiệp, tổ hợp chú trọng sản xuất các mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, xã cũng phối hợp với các doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động. Do đó, hoạt động từ các làng nghề truyền thống đã đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã. 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã đạt trên 7 tỷ đồng. Yên Lâm phấn đấu năm 2013 giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 15 tỷ đồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Mô có 10 làng nghề truyền thống đang được duy trì và phát triển hiệu quả là: nghề thêu ren, sản xuất cói, bèo bồng xuất khẩu, mộc, nề, làm gốm…
Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển và mở rộng quy mô, phạm vi người làm nghề, huyện Yên Mô đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng; có nhiều cơ chế, chính sách như: chú trọng hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động, tạo điều kiện về vốn vay, mặt bằng để các doanh nghiệp, tổ hợp tiến hành sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực tham gia làm nghề, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm ra từ các làng nghề đã nhanh nhạy, sáng tạo trong việc tìm kiếm bạn hàng, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm…, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Do đó, nhiều năm nay các làng nghề truyền thống có cơ hội và điều kiện để phát triển, thu hút thêm lao động tham gia, góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ. Đến nay, hoạt động từ các làng nghề truyền thống ở Yên Mô đã giải quyết việc làm cho trên 70% lao động tại các làng nghề.
Hàng năm, các làng nghề truyền thống đã đóng góp khoảng 32-35% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện. Nhiều xã trong huyện đã mạnh dạn đưa thêm một số nghề mới về địa phương để người lao động có cơ hội lựa chọn ngành nghề, tìm nghề phù hợp như: xã Khánh Thịnh đã phát triển mới nghề đan cún rơm xuất khẩu cùng với nghề sản xuất và chế biến cói xuất khẩu, xã Yên Thắng phát triển nghề may công nghiệp…
Trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay, hoạt động từ các làng nghề truyền thống ở Yên Mô đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Do đó, huyện Yên Mô xác định đầu tư và huy động nhiều nguồn lực để duy trì và phát triển các làng nghề nhằm tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Với hoạt động hiệu quả của các ngành nghề như hiện nay, Yên Mô phấn đấu năm nay có thêm 2 làng nghề sản xuất và chế biến cói xuất khẩu được công nhận là làng nghề truyền thống.
Bùi Diệu