Những người thợ nề Bình Hải có mặt ở khắp nơi từ Bắc vào Nam, dựng lên những công trình lịch sử như Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Tiên (Nga Sơn, Thanh Hóa)... để rồi cái tên Bình Hải ngày càng vang xa đến những miền đất mớ
Làng Bình Hải được hình thành từ những năm cuối thế kỷ XV (1472) với cái tên ban đầu là Cốc Bộ. Thời ấy, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nghề chài lưới, làm nông nghiệp, trồng lúa nước... Nghề nông bấp bênh, không đủ sống, con dân của làng mới chuyển qua làm thợ nề. Với sự cần cù, chịu khó cùng đôi bàn tay tài hoa, cái danh "nề Bình Hải" đã trở nên nức tiếng khắp vùng.
Gia đình cụ Mai Văn Ba, đã có 4 đời làm nghề nề; 15 tuổi ông Ba đã theo các bậc cha chú đi xây dựng nhà từ Bắc Giang, Thái Nguyên đến Lào Cai, Yên Bái... Cụ Ba kể: Từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, làng đã có một số người đi làm thợ nề nhưng các công trình xây dựng lúc đó còn ít và chủ yếu là các đình, chùa, miếu mạo.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, kinh tế phát triển, nhu cầu xây dựng ngày một nhiều đã tạo cơ hội cho nghề nề truyền thống của làng phát triển. Thợ nề của làng Bình Hải là những người có tay nghề rất khéo. Các công trình từ lớn đến nhỏ, từ đơn giản đến phức tạp họ đều làm rất tốt.
Để tạo tiếng vang, những người thợ luôn dồn tâm huyết, học hỏi những kỹ năng xây dựng: nghiên cứu bản vẽ, nắm bắt nguyên lý, kết cấu và quy chuẩn chất lượng... Nhờ đó đã tạo niềm tin với khách hàng.
Làng Bình Hải có đến hơn 60% dân làng theo nghề nề. Làng có 670 hộ dân với 2.941 khẩu mà diện tích đất nông nghiệp chỉ được 201 ha, một phần trồng lúa, phần còn lại trồng hoa màu do vậy người dân phải vận dụng thêm nghiệp nề của tổ tiên mới sống đủ, sống tốt được.
Ông Mai Đức Hiệp, Trưởng Ban quản lý làng nghề cho biết: Hiện nay Bình Hải đã có 7 doanh nghiệp xây dựng và hơn 40 tổ nề là đầu mối sắp xếp công việc cho hàng nghìn lao động nề trong làng có công việc ổn định và mức thu nhập cao. Nghề nề mỗi năm đã mang về doanh thu trên 13 tỷ đồng cho làng.
Trước đây, chỉ cần chiếc dao xây, chiếc bay, cây thước... người thợ đã có thể làm những công việc xây chát đơn giản như dựng ngôi nhà cấp bốn, làm căn bếp, cái cổng ngõ, bờ tường... bằng gạch xỉ vôi, gạch thủ công.
Nay trong nhịp điệu phát triển mới của nông nghiệp, nông thôn, công trình xây dựng và nghề thợ nề cũng khác xưa rất nhiều. Với những con đường lát bê tông, những ngôi nhà cao tầng, biệt thự, trường học, trụ sở... các tốp, các đội thợ xây dựng phải trang bị thêm nhiều công cụ máy móc: tời quay, máy trộn bê tông, máy đầm, máy khoan cắt, xe tải, máy ủi, máy xúc. Những người thợ trẻ bên cạnh tiếp nối nghề cha ông cũng tự trau dồi kiến thức trên giảng đường, bổ sung thêm các hiểu biết.
Gặp anh Mai Xuân Tùng, chủ doanh nghiệp xây dựng Xuân Tùng được biết: Anh trưởng thành từ những ngày tập tành phụ xây. Sau đó nhận thấy cần bổ sung kiến thức, anh đã đi học lấy bằng xây dựng. Có kiến thức, có tay nghề, xác định đây là nghề tương lai phát triển và sống được, anh tổ chức các anh em có tay nghề thành lập đội xây dựng ở quê.
Tiếng lành đồn xa, đội của anh Tùng nhận được nhiều công trình lớn. Giờ đây anh đã là giám đốc của một công ty xây dựng mạnh có tiếng trong tỉnh. Anh Tùng tâm sự: Từ lâu tôi đã yêu thích nghề xây dựng. Buổi đầu vất vả lắm. Đêm nằm không yên. Bao giờ hình bóng ngôi nhà đang xây cũng hiện lên hối thúc. Người dân chắt chiu dành dụm, bỏ ra tiền của ao ước một ngôi nhà, mình phải cố gắng xây sao cho vừa đẹp vừa bền chắc, xứng với lòng tin của họ. Mỗi lần xong một ngôi nhà, ngắm nghía thành quả do công sức trí tuệ làm nên, càng thêm yêu quê hương mình và nghề xây dựng điểm tô cho cuộc sống nơi đây.
Tuy nhiên đi kèm với sự tự hào về làng nghề truyền thống của cha ông để lại, anh Tùng vẫn còn nhiều trăn trở: Gần như 100% thợ xây dựng ở đây đều không qua đào tạo chính quy cho nên họ không nắm được những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng, không sử dụng các dụng cụ bảo hộ an toàn lao động. Công việc thì nặng nhọc, vất vả, nguy cơ tai nạn luôn rình rập nhưng những chế độ, chính sách, cũng như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội gần như không ai nghĩ đến. Cuộc sống công trường cũng hết sức phức tạp...
Chúng tôi về Bình Hải đúng dịp dân làng đang tổ chức hội làng. Hội làng năm nay như tưng bừng, náo nhiệt hơn, người dân như vui hơn bởi ngày hội làng hôm nay làng được đón nhận quyết định của UBND tỉnh công nhận làng nề Bình Hải là làng nghề cấp tỉnh. Đây được xem như là cơ hội để làng nghề được đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong ngành xây dựng.
Bà Đỗ Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết: Đây là niềm tự hào đối với cán bộ và nhân dân Bình Hải. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá để mọi người, mọi ngành trong cộng đồng dân cư hiểu thêm về giá trị nhân văn của nghề nề. Chú trọng tôn vinh, động viên, khen thưởng đối với tầng lớp nghệ nhân, những người có tay nghề cao để họ truyền nghề cho lớp lớp con cháu mai sau và các đơn vị bạn. Xây dựng môi trường lành mạnh và tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, đơn vị, chủ thầu hoạt động kinh doanh. Đồng thời tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học công nghệ mới để nâng cao tay nghề cho lao động làm nghề. Gắn việc phát triển nghề với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hà Phương