Nghề mộc vốn là nghề truyền thống ở xã Sơn Hà (Nho Quan). Trải qua bao thăng trầm, nghề mộc đã được truyền lại cho nhiều thế hệ và để lại những kỹ thuật chế tác trên từng sản phẩm đồ gỗ, tạo nên thương hiệu uy tín, giúp nhiều hộ dân trong xã làm giàu ngay trên chính quê hương.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND Xã Sơn Hà cho biết: Cùng với sự nỗ lực của chính người dân làm nghề mộc, những năm qua các cấp chính quyền luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển làng nghề mộc. Hiện nghề mộc đã phát triển ở nhiều thôn trong xã. Trong đó, tập trung ở thôn Quỳnh Phong I, Quỳnh Phong II và được gọi chung với là làng nghề mộc Quỳnh Phong. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định phát triển làng nghề tăng trưởng phải song hành với bảo vệ môi trường.
Trước đây, nghề mộc ở Quỳnh Phong phần lớn phải làm bằng thủ công ngày nay với sự trợ giúp của máy móc, công nghệ hiện đại đã giải phóng sức lao động của con người rất nhiều. Nhờ các dòng máy thiết kế chuyên dụng cho sản xuất đồ gỗ, các cơ sở sản xuất có thể gia công số lượng lớn, đồng loạt, đáp ứng nhiều đơn hàng hoặc có thể tạo ra các mẫu sản phẩm theo ý tưởng, yêu cầu của khách hàng.
Thời điểm đầu, các sản phẩm chính của làng nghề đơn giản là những đồ gỗ gia dụng phục vụ cuộc sống thiết yếu hàng ngày, như: bàn, ghế, giường, tủ… Dần dần đã phát triển các sản phẩm mỹ nghệ, các sản phẩm phục vụ xây dựng nhà cửa... đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Làng nghề mộc Quỳnh Phong được UBND tỉnh công nhận làng nghề cấp tỉnh năm 2007. Tổng doanh thu mỗi năm ước đạt 90 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động với thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Hiện toàn xã có gần 100 hộ đang trực tiếp sản xuất, chế biến và kinh doanh. Trong đó có 92 hộ đang sản xuất tại làng nghề, còn lại ở các thôn khác trong xã. Sản phẩm của làng nghề có thị trường rất rộng, được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa...
Bên cạnh lợi ích về kinh tế, vấn đề môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của làng nghề. Bởi trong quá trình sản xuất, bụi gỗ được phát sinh ở hầu hết các công đoạn từ cưa, xẻ, khoan, phay đến bào, chà...
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, trước đây các hộ sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, một số gia đình thường không chú trọng đến vấn đề xử lý bụi gỗ nên môi trường, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng. Những năm gần đây, Sơn Hà chú trọng tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các hộ, cơ sở sản xuất, người lao động không bào, chà, phun sơn ngoài vỉa hè, hạn chế sử dụng quạt thổi trực tiếp bụi gỗ, bụi sơn thẳng ra ngoài đường, khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất lắp đặt máy xử lý bụi gỗ, hoàn thiện nhà xưởng theo hướng khép kín để giảm tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Từ sự tuyên truyền của các cấp, ngành, các hộ sản xuất trong làng nghề đã nêu cao ý thức, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Nhờ đó, tại nhiều cơ sở sản xuất bụi gỗ được "thu gom" ngay tại vị trí phát sinh. Tình trạng bụi phát tán trong không khí, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe được giảm đáng kể.
Ông Phạm Văn Nam, chủ xưởng sản xuất gỗ tại thôn Quỳnh Phong II cho biết: "Hiện xưởng sản xuất gỗ của ông đang tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 6-10 triệu đồng/người/tháng. Từ nhu cầu thực tế của việc phát triển kinh tế và việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm làng nghề, gia đình tôi đã đầu tư lắp đặt máy hút bụi gỗ, tuy tốn chi phí ban đầu nhưng lại rất hữu ích đối với những gia đình làm mộc, vừa bảo vệ sức khỏe của mình, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh."
Để đảm bảo môi trường làng nghề và phát triển bền vững, mỗi người dân trong làng nghề Quỳnh Phong đã nêu cao ý thức; tích cực đầu tư các phương tiện, máy móc mới vào quá trình sản xuất để giảm thiểu tiếng ồn, bụi bặm; chủ động thu gom, xử lý phế liệu, phụ phẩm trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế song hành với việc bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: Hoàng Hiệp