Cụ Nguyễn Thị Bẩy năm nay đã ngoài 80 tuổi. Mặc dù con cái đã trưởng thành, chăm lo chu đáo cho cụ cái ăn cái mặc song chẳng lúc nào cụ chịu im chân im tay. Cụ bảo, một ngày không được ngửi cái mùi ngai ngái của tre mới, không được tự tay cạp cái thúng tròn vành vạnh ấy là cụ không chịu được. Với cụ, giờ đây nghề đan thúng không chỉ là cơm ăn, áo mặc mà còn là trách nhiệm, là cách để tỏ lòng tri ân với một nghề truyền thống đã giúp bao thế hệ người dân Đồng Nang no lòng. Vừa thoăn thoắt tay đan, cụ bỏm bẻm nhai trầu rồi kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tiên đến với nghề. Năm tròn 10 tuổi, cụ Bảy đã biết đan lát để phụ giúp gia đình. Bởi thế, mà tuy là gái song cụ Bẩy là tay đan có hạng ở làng. Thời ấy, cả làng Đồng Nang đều làm nghề đan thúng. Từ 2-3 giờ sáng, cả làng đã í ới gọi nhau đi chợ để mua tre. Để có những sản phẩm đẹp thì khâu chọn tre rất quan trọng. Tre phải vừa già tới và óng ả, chứ non quá hoặc già quá đều không được. Những người đàn ông trong làng phải sang tận nơi, chọn từng gốc tre rồi thuê xe trâu chở về. Những gia đình neo người thì phải huy động thêm cả phụ nữ và con trẻ đi vác tre. Đến khi gà gáy sáng là những người đi mua tre đã kịp về đến nhà, ăn vội bát cơm độn sắn rồi ai vào việc nấy. Trẻ con kịp tới trường, người lớn thì cắt ống, pha tre, chẻ mỏng rồi vót nan đem phơi nắng. Hôm nào trời nắng ráo thì nan tre khô đẹp, gặp phải những ngày thời tiết xấu thì bà con phải gác nan trên bếp rồi đốt trấu hong khói cho tới khô. Theo những người làm nghề thì nếu nan không được khô thì khi đan sẽ bị mốc, ngót, sản phẩm làm ra không đẹp, bền.
Trẻ con thời ấy cũng chẳng có thời gian chơi đáo, chơi khăng. Ngoài giờ học, thì trẻ em đều tham gia đan lát với gia đình. Những buổi họp thôn, mọi người còn tranh thủ mang cả mấy đoạn tre đi tranh thủ vừa chẻ nan hoặc đan. Tiếng cười nói râm ran, không khí nhộn nhịp, tình người thêm thắt chặt. Nhà ai cũng treo đèn dầu đan lát tới khuya để kịp có nhiều sản phẩm cho các bà, các mẹ, các chị đi bán vào phiên chợ sớm. Thời ấy, những nông cụ, vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày của bà con nông thôn chủ yếu là hàng tre đan nên thị trường tiêu thụ rộng, sản phẩm đa dạng từ thúng, nia, rổ, rá… làm ra bao nhiêu cũng không lo bị ế. Vì vậy, nếu không được giá, người dân cũng chẳng phải "bán thốc, bán tháo", mà mang về gác bếp, mòng hóng sẽ làm cho sản phẩm bóng, đẹp hơn và sẽ được giá hơn ở những phiên chợ sau. Thời ấy, một đôi thúng đổi được 4 bơ gạo, không nhiều song cũng đủ để người dân Đồng Nang không bị đứt bữa.
Thời buổi kinh tế thị trường đã mở ra cho người dân Đồng Nang nhiều cơ hội để tìm một việc làm "sang" hơn với thu nhập cao hơn, song ở Đồng Nang vẫn rất nhiều người chọn nghề đan thúng để làm kế sinh nhai mặc dù nếu làm chăm chỉ, thì tiền công cũng chỉ được chừng 35-40 nghìn đồng/ngày. Ông Bùi Cộng Hòa, người có trên 30 năm gắn bó với nghề đan thúng tâm sự, làm nghề đan thúng đơn giản, không đòi hỏi công đoạn cầu kỳ, từ người già đến trẻ em đều có thể tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi là làm được. Hơn nữa, bây giờ làm nghề đan lát nhàn hơn ngày xưa rất nhiều. Người làm nghề không phải vất vả đi mua tre, mà nguyên liệu được chở về tận ngõ, tận nhà để bán. Hàng làm ra lại được thương lái về tận nơi thu mua. Sức tiêu thụ của các sản phẩm từ tre này cũng phụ thuộc vào từng thời điểm. Thường thì khi giáp vụ thu hoạch lúa là sức mua lớn hơn. Hàng đẹp thì giá cao, hàng trung bình giá thấp hơn. Tuy không bị thương lái đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng, song người dân Đồng Nang đều tự bảo nhau không thể làm ẩu để giữ uy tín cho sản phẩm mây tre đan Đồng Nang. Bởi thế, mà mối quan hệ mua-bán ấy diễn ra nhẹ nhàng khác hẳn với sự "láu cá" thường thấy trên thương trường.
Ông Đinh Văn Tuấn, Trưởng thôn Đồng Nang cho biết, nghề mây tre đan Đồng Nang được công nhận là làng nghề cấp tỉnh từ năm 2013. Tuy không mang lại được sự giàu có cho các hộ làm nghề song nó cải thiện đáng kể cuộc sống cho người dân nơi đây. Hiện, toàn thôn Đồng Nang có gần 150 hộ thì có trên 70 hộ tham gia làm nghề. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản phẩm từ tre đã bị "lép vế" trên thị trường bởi sự ra đời của hàng loạt những sản phẩm từ nguyên liệu khác tiện lợi, đẹp mắt như nhôm, inox, nhựa…bởi vậy mà các mặt hàng của làng nghề kém phong phú, đa dạng. Số hộ làm nghề cũng bị giảm đáng kể.
Đối mặt với nhiều khó khăn, song tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết và mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của cha ông đã "giữ lửa" cho làng nghề Đồng Nang. Đều đặn mỗi ngày, hàng trăm sản phẩm từ mây, tre chứa đựng tình người của người quê được đưa ra thị trường. Nhưng, người dân làng nghề Đồng Nang vẫn mơ ước các sản phẩm của họ không chỉ đơn giản là "nông cụ" mà còn là những vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân khắp cả nước. Để hiện thực được giấc mơ đó, bên cạnh lòng yêu nghề và đôi tay khéo léo, thì làng nghề mây tre đan Đồng Nang còn cần hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho những người làm nghề ở Đồng Nang.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng