Bà Ni-co-ra-oai, du khách Nhật lần thứ hai đến Nhà thờ đá Phát Diệm thấy vùng đất này đã đổi mới khá nhiều. Vẫn đền thờ Nguyễn Công Trứ ghi công Doanh điền sứ, người có công mở đất cách đây gần hai thế kỷ tạo ra huyện Kim Sơn màu mỡ ngày nay. Chỉ có cửa hiệu chế biến hàng cói xuất khẩu của người Hoa là Xương Lợi không còn, thay vào đó là các cửa hàng kinh doanh đủ các loại hàng hóa của Việt Nam, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan... Giật mình khi có em nhỏ biết tiếng Nhật, bà cúi đầu chào khách theo thói quen và nhờ em dẫn đi xem làng nghề sản xuất cói. Xã Kim Chính có cả 3 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, thưởng cho mỗi làng 15 triệu đồng. Em Hòa mới về thăm quê giảng giải cho bà, mỗi xóm chuyên sâu một nghề: Xóm 2 chuyên dệt chiếu cải, chiếu đậu; xóm 8 làm hộp cói "nhuyễn" gồm hộp, ấm, túi sách; xóm 1 chuyên làm giày, làn bằng cói. Người du khách Nhật đến chỗ nào cũng thấy đẹp, thấy thích, muốn dừng lại xem. Đi mỏi chân, bà dừng lại đúng nhà anh Tạ Hữu Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chính và mua những sản phẩm cói trị giá gần 1 triệu đồng.
Làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Dừng lại trước nhà bà Trần Thị Nhàn, 75 tuổi đang truyền nghề cho con dâu, hai cháu nhỏ là Phương (8 tuổi), Hương 7 (tuổi), người du khách Nhật kính cẩn chào và hỏi bà Nhàn: Khó nhất của đan cói là gì? Người phụ nữ Việt Nam cũng vui vẻ chào khách và đáp: "Thưa bà, khó nhất là đan gài mắt cáo. Tôi làm nghề đan cói từ năm 13 tuổi, nay vẫn thấy thích, say với nghề (nhà đang có 8 người làm cói) muốn truyền lại nghề cho con cháu ở làng nghề Kiến Thái này". Người phụ nữ Nhật ôm lấy bà Nhàn khen mãi: đây là "nghệ nhân" tuyệt vời. Làng nghề của Kim Sơn cũng thật tuyệt vời...
Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trần Minh Đức: Chế biến cói đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XI (nhiệm kỳ 2005 - 2010), chiếm 55% trong cơ cấu kinh tế. Còn đồng chí Chủ tịch UBND xã Lâm Xuân Điều giới thiệu: Toàn xã có 8.200 người (80% làm nghề cói, ngày công cao 50.000 - 60.000 đ, còn trung bình 30.000 đ/người) phân bổ theo 11 xóm, 3 thôn (chính là 3 làng nghề: Trì Chính, Thủ Trung, Kiến Thái). Năm nay xã đạt giá trị sản xuất về cói trên 15 tỷ đồng. Cả 3 thôn đều được công nhân là di tích lịch sử văn hóa.
Trên địa bàn xã, có xí nghiệp tư doanh thủ công mỹ nghệ Xuân Hòa chuyên tiêu thụ sản phẩm cói cho nông dân, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 công nhân, thời vụ cho hàng nghìn lao động. Giám đốc Trần Xuân Hòa đã được tặng danh hiệu "bàn tay vàng" tại hội chợ triển lãm hàng thủ công truyền thống kim hoàn năm 1996. Năm nay xí nghiệp có hơn 1.000 mẫu mã với các mặt hàng cói: hộp cói, giỏ cói, đĩa cói, cốc cói, túi sách, mũ, giày, dép cói... để xuất sang các nước: Nhật, Trung Quốc, Pháp, Đức..., dự kiến doanh thu 10 tỷ đồng. Huyện Kim Sơn hiện có 25 xã, 2 thị trấn thì có 13 xã có làng nghề chế biến cói và trồng cói. Ngoài 3 làng nghề của Kim Chính, năm nay có thêm các làng nghề cói: Yên Thổ, Ninh Mật (Yên Mật); Hướng Đạo, Đồng Đắc (Đồng Hướng) được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề sản xuất công nghiệp - TTCN. Kết quả thực hiện kế hoạch đẩy mạnh trồng, chế biến cói năm 2007 trên địa bàn huyện Kim Sơn ước: Về giá trị sản xuất công nghiệp 200 tỷ đồng (năm trước 164 tỷ đồng, riêng chế biến cói 150 tỷ đồng (năm 2006 là 131 tỷ đồng, doanh thu 320 tỷ đồng, riêng chế biến cói 240 tỷ đồng; 4.699 cơ sở sản xuất (21 doanh nghiệp, 23 HTX, 3 công ty cổ phần, 2 công ty TNHH, 4.650 hộ cá thể), tạo việc làm cho 23.250 người (1.750 lao động trồng cói, 21.500 lao động chế biến) trên diện tích 464 ha (trong đó Công ty nông nghiệp Bình Minh là 303 ha).
Trong 2 năm 2006, 2007, các doanh nghiệp đã tự đào tạo cho hơn 3.000 lao động. Xí nghiệp tư doanh Đổi Mới đã thực hiện sáng kiến "cải tiến hệ thống lò sấy sản phẩm cói xuất khẩu", đầu tư hơn 400 triệu đồng. Với sáng kiến này, chất lượng sản phẩm cói của xí nghiệp đã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, loại bỏ khả năng rủi ro cháy khi sấy, đảm bảo an toàn vệ sinh, sức khỏe cho người lao động. Xí nghiệp tư nhân chiếu cói Ngọc Sơn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm cói bằng phương pháp sấy áp lực. Tuy nhiên, theo đồng chí Vũ Kỳ, chuyên viên phòng Kinh tế tổng hợp huyện, việc trồng và chế biến cói cũng xuất hiện những thách thức. Giá cói nguyên liệu tiếp tục giảm: Năm 2006 bình quân 2.800 đ/kg, năm 2007 bình quân 1.800 đ/kg nên chưa hấp dẫn người sản xuất. Diện tích cói mùa khi bắt đầu vào thu hoạch thì gặp mưa bão. Còn đối với doanh nghiệp chế biến cói xuất khẩu, không ít đơn vị còn xuất khẩu ủy thác làm hạn chế khả năng cạnh tranh, chưa chủ động đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm cộng với việc thiếu nguyên liệu (không mua cói dự trữ như mọi năm) nên ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp.
Đất nước ta đã bước vào thời kỳ hội nhập, Nghị quyết 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch 18 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ đến năm 2010 mở hướng cho các làng nghề phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm: sản phẩm cói tăng 15%, giá trị sản xuất sản phẩm cói đạt 280 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu cói đạt 23,3 triệu USD (đến năm 2010). Đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu cói, xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Đồng Hướng 17 ha. Gia nhập WTO, hơn ai hết, từng hộ chế biến cói, các doanh nghiệp xuất khẩu cói phải nhận thức đầy đủ những cơ hội và thách thức đối với chính mình, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để đổi mới mẫu mã sản phẩm, đầu tư thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường nước ngoài. Hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, sử dụng có hiệu quả quỹ khuyến công, vốn sự nghiệp khoa học, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, xuất khẩu và phát triển nông nghiệp toàn diện, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là giảm nghèo, thu hút nhiều lao động, thúc đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thành lập Hiệp hội nghề cói, tiến tới hình thành quỹ bình ổn giá cói. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cói. Xây dựng cơ chế liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Theo cá nhân tôi, về lâu dài cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, hướng tới hình thành một tập đoàn kinh tế mạnh về sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cói, tăng cường sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu.
Tố Mai