Theo chân ông Phạm Hữu Khánh, Phó Chủ tịch HĐND xã, chúng tôi đến nhà ông Phạm Đức Long ở xóm 1, xã Khánh Thiện, một người đã có thâm niên trên 20 năm làm nghề trồng cây cảnh. Ông Phạm Đức Long cho biết: Nghề trồng cây cảnh xuất hiện ở xã Khánh Thiện từ lâu lắm rồi, đến nay không ai nhớ chính xác. Nhưng đối với ông, từ khi lớn lên đã thấy các cụ thân sinh chơi cây cảnh và cây cảnh đã trở thành niềm đam mê của ông từ thủa bé. Ngày xưa, các cụ chơi cây cảnh chỉ là thú chơi tao nhã, chỉ là niềm đam mê với cây cảnh mà chơi. Do đó, mỗi nhà cũng chỉ có vài cây, nhưng cây nào cũng đẹp, có giá trị và tính thẩm mỹ cao. Khi nhu cầu trang trí nhà cửa bằng cây cảnh tăng, nghề cây cảnh mới thực sự phát triển.
Giờ đây, nghề cây cảnh không chỉ là niềm đam mê mà còn là một nghề mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Không chỉ lớp cao niên và trung tuổi chơi cây cảnh, mà ở Khánh Thiện ngày nay giới trẻ cũng đam mê và bắt nhịp, học hỏi rất nhanh về nghề. Có những thanh niên mới chừng ba mươi tuổi cũng đã sở hữu hàng trăm cây cảnh, trong đó nhiều cây có giá trị cao. Theo ông Phạm Đức Long, chơi cây cảnh là một nghệ thuật, người chơi cây ngoài việc có một vốn kiến thức nhất định thì phải yêu cây, tâm huyết với cây và phải cần cù chịu khó. Người chơi cây phải có bàn tay khéo léo, thực hiện được tất cả các khâu từ tỉa cảnh, tạo thế, dáng, đến khâu chăm sóc...
Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng cây cảnh, hiện nay ông Phạm Đức Long đã sở hữu một vườn cây lên tới hơn 300 trăm cây, bao gồm nhiều loại cây lâu năm có giá trị như: sanh lớn, nhỏ, lộc vừng, tùng… Nhờ phát triển cây cảnh, gia đình ông đã trở thành hộ khá giả, có những năm được giá, thu nhập ước đạt 700-800 triệu đồng/năm. Hai ba năm gần đây, thị trường cây cảnh chững lại nhưng mỗi năm ông cũng thu về từ 50 - 80 triệu đồng. Nhất là trong dịp Tết Nguyên đán có năm được giá, gia đình ông thu được hàng chục triệu đồng từ bán cây cảnh.
Đến thăm nhà bác Phạm Ngọc Quyển, xóm 1, xã Khánh Thiện, cũng là một người có niềm đam mê với cây cảnh từ thủa còn để chỏm. Bác Quyển cho biết: Vào đợt giáp Tết hầu như nhà nào cũng tập trung nhân lực sửa sang, cắt tỉa, uốn... cây cảnh để có những chậu cảnh đẹp nhất phục vụ nhu cầu chơi cây của khách. Bác Quyển chơi cây cảnh từ khi còn trẻ, nhưng mãi đến năm 2006 khi bác về hưu thì mới đầu tư mở rộng khu vườn ươm cây, mua chậu, xi măng, gạch đá rồi tự tay xây dựng, làm chậu cho cây. Hiện nay khu vườn của bác có khoảng 200 chậu cây cảnh với nhiều chủng loại khác nhau. Mỗi năm gia đình bác thu về hàng trăm triệu đồng từ cây cảnh, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.
Được biết, xã Khánh Thiện là một trong những xã có quỹ đất sản xuất nông nghiệp ít nhất của huyện Yên Khánh, bình quân mỗi khẩu chỉ có từ 0,5-1 sào ruộng. Do đó, để phát triển kinh tế, xã Khánh Thiện tập trung chính vào việc phát triển ngành nghề, trong đó có nghề trồng cây cảnh. Với sự phát triển nhanh chóng và mang lại giá trị cao, nhiều hộ gia đình đã đưa nghề trồng cây cảnh vào phát triển kinh tế hộ gia đình, mở ra hướng đi mới cho người nông dân nơi đây, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Nhiều hộ đi sau đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm các hộ đã làm lâu năm và mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế sinh vật cảnh với quy mô lớn. Hiện nghề trồng cây cảnh đã thu hút gần 300 hộ trong xã tham gia, trong đó riêng xóm 1 đã có trên 50 hộ. Hộ ít cũng vài chục cây, hộ nhiều lên đến gần 3 nghìn cây. Dưới những bàn tay khéo léo của người dân, những cây đa, sanh, si và nhiều loài cây khác đã trở thành những cây cảnh có giá trị kinh tế cao, năm 2010 thu nhập từ cây cảnh toàn xã đạt 7 tỷ đồng, còn những năm gần đây cũng đạt gần 2 tỷ đồng. Hầu hết các hộ làm nghề trồng cây cảnh hiện nay ở xã Khánh Thiện đều là hộ giàu và hộ khá giả.
Theo ông Phạm Hữu Khánh, Phó Chủ tịch HĐND xã Khánh Thiện: Trong những năm gần đây, nghề trồng cây cảnh đã trở thành nghề mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân trong xã. Tuy nhiên, hiện nay nghề này mới phát triển ở dạng tự phát, chưa có quy hoạch, do đó có những thời điểm hiệu quả kinh tế không cao.
Thời gian tới, để nghề trồng cây cảnh phát triển bền vững, Khánh Thiện đã xây dựng đề án xây dựng làng nghề cây cảnh Khánh Thiện và đang trình hồ sơ lên các cấp, phấn đấu đến năm 2014 sẽ được công nhận làng nghề truyền thống cấp tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND xã đã giao trực tiếp cho Hội cựu chiến binh phụ trách đẩy mạnh phát triển làng nghề cây cảnh, tạo thành nét đẹp riêng cho quê hương. Đồng thời vận động các hộ trồng cây cảnh liên kết hình thành tổ hợp, câu lạc bộ sản xuất cây cảnh, liên kết với các chủ trang trại trồng cây cảnh lớn ở các địa phương có truyền thống trồng cây cảnh để học hỏi kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm; phối hợp với Hội sinh vật cảnh tỉnh và huyện mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc cho nông dân nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Bên cạnh đó, xã Khánh Thiện cũng tổ chức hội chợ xuân, khuyến khích nhân dân mang những cây cảnh đẹp ra trưng bày, giới thiệu, trao đổi, tạo điều kiện giao lưu hàng hóa, tạo ra nguồn thu nhập cho nhân dân, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đón Tết năm nay, người dân ở làng nghề trồng cây cảnh xã Khánh Thiện càng phấn khởi khi làng nghề đang được trình UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống cấp tỉnh, mở ra hướng phát triển mới cho địa phương.
Bài, ảnh: Hồng Giang