Đón "Tây" về "Ba cùng"
Những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, Khu du lịch sinh thái Vân Long sôi động hẳn lên. Khách du lịch nước ngoài, mà chủ yếu là khách Pháp và Hàn Quốc háo hức khi về với Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long không chỉ để thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và hữu tình mà còn có cơ hội hòa mình vào không gian trong lành của làng quê Việt khi tham gia các công việc của cuộc sống thường ngày cùng với người dân địa phương, mà những người làm du lịch vẫn quen gọi là "Homestay". Dành hết thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cùng gia đình trong những ngày nghỉ lễ, chúng tôi về Gia Vân. Đang băn khoăn không biết sẽ tìm hiểu về loại hình du lịch "Homestay" như thế nào, chúng tôi được anh Tiến, người quản lý Khách sạn sinh thái Ngôi Sao giới thiệu để tiếp cận với một đoàn khách từ Pháp. Sau khi lên thuyền, đi thăm quan và thưởng thức cảnh non nước hữu tình từ khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, đoàn khách Pháp với 5 người trong một gia đình đã bày tỏ mong muốn được "Homestay" ở nhà của người dân địa phương. Điểm đến của đoàn là gia đình ông Vũ Văn Hưởng (thôn Tập Ninh). Đây là một trong số ít gia đình trong thôn có ngôi nhà cổ với tuổi đời phải gần 200 năm. Thăm ngôi nhà, những người khách đến từ nước Pháp trầm trồ trước vẻ cổ kính của ngôi nhà và tò mò trước những sinh hoạt dân dã của chủ nhà. Quyết định ở lại nghỉ trưa để cùng tham gia sinh hoạt với chủ nhà, đoàn khách được gia đình ông Hưởng đón tiếp trong sự nồng hậu, cởi mở. Với sự hướng dẫn tận tình của vợ anh Hưởng, các "ông tây, bà đầm" hào hứng tham gia các công việc chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Người thì tham gia giã gạo, người thì làm nem, nấu cơm bếp rạ, người thì ra đồng bắt cua... Cả một ngày, trong khuôn viên gia đình ông Hưởng luôn vang tiếng cười sảng khoái của những "ông tây, bà đầm" lần đầu tiên được làm nông dân. Nghỉ trưa trên chiếc sập gỗ cổ, phe phẩy chiếc quạt nan xua đi không khí oi bức bên ngoài, ông Peter, một trong các thành viên của đoàn khách Pháp chia sẻ: Du lịch tại Việt Nam có rất nhiều điểm thú vị. Nhất là khi về với Ninh Bình, không chỉ thăm thú các thắng cảnh nổi tiếng, chúng tôi còn có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc sống, những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân địa phương. Tôi sẽ giới thiệu thêm cho nhiều bạn bè về điểm du lịch thú vị này...
Ở Gia Vân, mà chủ yếu là ở thôn Tập Ninh những gia đình còn giữ được ngôi nhà cổ đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách nước ngoài. Những ngôi nhà cổ trước khi đón khách được chủ nhà dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị chu đáo từ các vật dụng dùng trong sinh hoạt như: quạt nan, giường tre, nước chè xanh... cho đến các công việc của nhà nông như: ruộng khoai lang, ruộng lúa, cối giã gạo... Như ở thôn Tập Ninh, gia đình ông Lê Việt Cường, ông Vũ Văn Hưởng... là những gia đình thường xuyên đón khách du lịch nước ngoài nên có sự phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch trên địa bàn để tiếp đón các đoàn khách và sẵn sàng các điều kiện để khách "ba cùng" với gia đình mình.
Nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp
Trong quá trình cùng với các doanh nghiệp và người dân làm du lịch, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Ban Chấp hành Đảng bộ xã có hẳn một Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Theo đó, các hoạt động du lịch trên địa bàn sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn, quy mô hơn. Xã đã có những cơ chế, chính sách phù hợp để tập trung, hướng dẫn người dân cùng làm du lịch, thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, phát triển du lịch. Hàng năm, địa phương đều phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, dạy ngoại ngữ cho bà con nhân dân, hỗ trợ cho những hộ gia đình phải thu hồi đất nông nghiệp cho các dự án từ 30% diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ thêm một số đò. Phối hợp với các doanh nghiệp khai thác du lịch trên địa bàn đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về du lịch địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn... Đặc biệt, xã quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng để xây dựng và hình thành tuyến du lịch bằng xe trâu, là loại hình mà khách du lịch nước ngoài rất yêu thích. Tuyến du lịch này sẽ đưa du khách đi thăm quan theo hành trình: cụm văn hóa; khu dân cư hoặc đi ra cánh đồng. Trên hành trình du lịch bằng xe trâu, du khách sẽ được thăm quan các địa điểm xuyên suốt 5 thôn trong xã: Đình và chùa Phù Long (di tích lịch sử cấp tỉnh) - chùa Chi Lễ - đình và chùa Mai Trung - chùa Trung Hòa - chùa Tập Ninh... Trong quá trình làm du lịch, điểm nổi bật ở Gia Vân là người dân, dù làm du lịch hay không đều có ý thức xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp để đón khách. Với nòng cốt là Hội Người cao tuổi, hầu như các gia đình trong thôn, trong xã đều tích cực trồng cây xanh, cây cảnh để tạo cảnh quan trong lành. Đến Gia Vân, nhất là vào khu sinh thái Vân Long, không còn cảnh ăn xin, chạy theo khách để chèo kéo bán hàng... Với nỗ lực của mình, trung bình hàng năm, có từ 50.000 - 60.000 khách du lịch đến với Vân Long. Từ hoạt động của khu du lịch đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 400 hộ dân trong xã với mức thu nhập cao hơn làm nông nghiệp.
Rời khỏi Vân Long sau một ngày lang thang cùng những người khách đến từ Pháp, điều làm chúng tôi vẫn còn đôi chút băn khoăn là: Tuy đã có những đổi thay tích cực, nhưng tính chuyên nghiệp trong làm du lịch ở Gia Vân chưa cao, người dân vẫn còn tư tưởng làm du lịch một cách thụ động. Các doanh nghiệp khai thác du lịch cũng chưa có "động thái" gì phối hợp cùng chủ nhà để khai thác nhà cổ, ngoài việc dẫn khách đến thăm quan, "homestay". Hiện tại ở Gia Vân mới chỉ có 3 gia đình đáp ứng được các tiêu chí của doanh nghiệp khai thác du lịch khi tham gia làm "homestay". Ông Lê Việt Cường (thôn Tập Ninh), chủ của một ngôi nhà cổ thường xuyên đón khách du lịch bày tỏ: Cho đến nay, việc đón khách đến thăm nhà cổ và "homestay" vẫn đang trong tình trạng "bập bõm". Nếu doanh nghiệp ký hợp đồng một cách chính thức với chúng tôi thì gia đình sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư các điều kiện để đón khách về "homestay"... Tuy nhiên, là một người dân ở địa phương có điểm du lịch nổi tiếng, gia đình tôi xác định luôn nhiệt tình, chu đáo và dành mọi điều kiện để đón khách, coi đó là những bước để mời chào, quảng bá cho du lịch địa phương. Mong muốn của gia đình là có được sự quan tâm hơn nữa của địa phương, của doanh nghiệp khai thác du lịch để các hộ gia đình trong thôn, trong xã phát huy lợi thế, tiềm năng trong làm du lịch, tăng thu nhập cho người dân... Kinh nghiệm từ một số tỉnh, thành đã và đang làm "homestay" cho thấy, để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, nỗ lực của người dân là chưa đủ. Cần nhất là sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương, sự phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ của các doanh nghiệp khai thác du lịch để không chỉ ở những ngôi nhà cổ, mà tất cả các hộ gia đình trong thôn, trong xã đều có thể trở thành điểm đến của khách du lịch.
Phan Hiếu