Hiện nay, ở Hồi Ninh có 14 xóm thì cả 14 xóm đều trồng đào. Đào Hồi Ninh không trồng ở đồi hay chân ruộng mà trồng ngay trong những mảnh vườn của mỗi gia đình, trung bình mỗi hộ có cả trăm gốc đào. Tuy diện tích chưa phải lớn song đào ở Hồi Ninh khá nổi tiếng, được thị trường yêu thích vì thường nở đúng vào dịp Tết. Trên những khu vườn là những gốc đào đang nở tràn lộc xuân được các chủ vườn khéo léo khoanh bầu để chuẩn bị chuyển đến các khách hàng trong và ngoài tỉnh. Vườn nào cũng lốm đốm những miếng giấy buộc trên cành đào có ghi tên cây đã có chủ.
Ông Bùi Văn Tuân ở thành phố Ninh Bình cho biết, năm nào ông cũng về tận vườn Hồi Ninh để chọn một cây về chơi Tết. Đào ở đây gốc to, dáng đẹp, nhiều nụ, lộc mà chơi lại bền, để hết tháng Giêng cũng chẳng héo, chẳng rụng.
Chơi Tết xong tôi lại mang gửi lại nhà vườn nhờ chăm sóc. Đào ở đây được trồng trên đất thịt nên khi đánh bầu không bị vỡ, bởi vậy mà di chuyển đi xa cây vẫn tươi, xanh.
Không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh, đào cảnh ở Hồi Ninh còn chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng ngoại tỉnh. Nhiều hộ gia đình đã trở nên khá giả bởi mỗi vụ thu hoạch đào Tết có lợi nhuận lên đến cả trăm triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm vườn đào của gia đình ông Phạm Quang Danh ở xóm 1. Trong vườn nhà ông trồng hơn 300 gốc đào. Ông Danh bảo, cái khó nhất của những người trồng đào đó là làm sao để hoa nở vào đúng dịp Tết.
Mỗi vùng trồng đào đều có bí quyết riêng, ở Hồi Ninh đó là kỹ thuật "trông trăng". Từ rằm tháng Tám âm lịch, người trồng đào phải ngắm trăng để "dự đoán" thời tiết lúc giáp Tết.
Theo kinh nghiệm của bà con, nếu năm nào trăng đục thì trời sẽ lạnh, còn trăng trong thì trời sẽ ấm, từ đó điều chỉnh thời điểm tuốt lá cho cây đào.
Nếu thời tiết nóng nhiều, người trồng đào sẽ tuốt lá muộn hơn khoảng chục ngày để đào nở chậm hơn. Vào đầu tháng 11 âm lịch, người trồng đào tuốt bỏ toàn bộ lá đào để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, bảo đảm nụ hoa ra nhiều, đều, cánh hoa to...
Động tác tuốt lá tưởng chừng đơn giản song cũng cần nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm. Cách tuốt là phải theo chiều lá mọc hướng lên bởi nếu tuốt ngược xuống sẽ bị rụng hết "mắt đào". Mỗi một lá đào ngắt xuống là một lần cây đào "tức mắt", từ các mắt đào ấy mà cây đâm chồi, nẩy lộc.
Ông Danh nói thêm, sau khi tuốt bỏ toàn bộ lá đào trên cây, người trồng đào Hồi Ninh tiếp tục căn thời tiết để điều chỉnh cách chăm sóc.
Nếu thời tiết nắng ấm như năm nay, đào có nguy cơ nở hoa sớm thì phải hãm đào bằng cách hạn chế tưới nước. Còn nếu năm nào thời tiết lạnh, đào không bung hoa đúng dịp Tết thì phải tăng độ ấm cho đào bằng cách lấy bao nilon trùm quanh cây, đồng thời thắp điện suốt đêm…
Dù là thời tiết ấm hay lạnh thì để có được vườn đào ra hoa đúng dịp là cả quá trình công phu, vất vả của người làm vườn.
Ông Phạm Văn Toàn ở xóm 1 cũng là một trong những hộ đầu tiên trồng đào ở Hồi Ninh. Ban đầu, chỉ trồng để chơi Tết, dần dần mở rộng ra vài chục gốc, sau nhận thấy cây đào hợp với chất đất nơi đây nên ông Toàn đã mở rộng diện tích.
Đến nay, nhà ông đã có trên 500 gốc đào. Trồng đào vất vả lắm nhưng mang lại cho người trồng mức thu nhập khá. Tùy từng năm, song trung bình mỗi gốc đào có giá từ 200-400 nghìn đồng.
Đặc biệt, ở Hồi Ninh cũng có những người chuyên trồng đào thế. Với loại đào này kỹ thuật chăm sóc rất công phu, bù lại, mỗi gốc đào có giá tới vài chục triệu đồng.
Ông Toàn bảo, với người trồng đào ở Hồi Ninh, sau gần một năm chăm sóc đào, giờ đang là giai đoạn khó khăn nhất, hồi hộp nhất bởi chỉ lơ là một chút, thành quả của cả năm có thể trở thành… công cốc.
Một mùa xuân mới đang về, các làng đào trong tỉnh cũng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, gặt hái thành quả sau một năm lao động chăm chỉ, vất vả. Hy vọng những người trồng hoa, cây cảnh Hồi Ninh sẽ có một vụ hoa Tết thắng lợi.
Nguyễn Hùng