Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã được các cấp ủy, chính quyền huyện Kim Sơn quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Phong trào đã lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên không khí thi đua sôi nổi ở khắp các địa phương. Xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa, trong nhiều năm qua, huyện Kim Sơn đã chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương gắn với đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh đất và người Kim Sơn. Theo đó, công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, thường xuyên tổ chức các hội diễn văn nghệ, TDTT quần chúng… Qua đó giúp nhân dân nâng cao nhận thức của mình về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương. Điều đáng nói là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã giúp nhân dân thấy được trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh, văn minh. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" có sức lan tỏa nhanh, được các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng tham gia. Nhân dân đã tự nguyện đóng góp tiền của và ngày công để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi, xây dựng các thiết chế văn hóa như: cổng làng, nhà văn hóa thôn, xóm, đình chùa … Truyền thống "lá lành đùm lá rách" trong nhân dân luôn được phát huy. Hàng tỷ đồng đã được huy động để xây dựng kết cấu hạ tầng. Trường học, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, làm cho cảnh quan, môi trường các khu dân cư ngày càng đổi mới.
Với phương châm coi văn hóa vừa là mục tiêu và vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo và phục dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều tiến bộ, đa số các đám cưới được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Việc tang, lễ hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và giữ được những nét đẹp thuần phong mỹ tục của quê hương...
Từ sự quan tâm của các cấp, các ngành tới các hoạt động văn hóa, nhận thức và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân về văn hóa được nâng lên, do vậy công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Kim Sơn hiện có 35 di tích được xếp hạng, trong đó có 6 di tích văn hóa cấp quốc gia, 29 di tích văn hóa cấp tỉnh. Toàn huyện có hơn 160 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ ở các xã, thị trấn, các thôn, xóm, khối, phố, trong đó có 5 đội chèo, 23 đội kèn đồng, 25 đội trống hội, trống nhảy tập trung chủ yếu ở các giáo xứ, giáo họ.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, chất lượng ngày càng được nâng lên đã có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Việc xây dựng gia đình, dòng họ, thôn, xóm, phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới,... đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện Kim Sơn đã có 18/27 xã, thị trấn đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới", "Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị"; 21/27 xã, thị trấn có CLB thể dục dưỡng sinh, 27/27 xã, thị trấn phát triển phong trào đi bộ; 30% dân số tham gia luyện tập thể thao thường xuyên, 27% gia đình đạt gia đình thể thao. Phong trào rèn luyện thể thao ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất của người dân, qua đó tạo nguồn cho thể thao thành tích cao phát triển. Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Mai Lan