Xã Văn Hải là một trong những điểm sáng trong phong trào hiến giác mạc của huyện. Ông Đoàn Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải cho biết: Xã có 6 giáo họ với hơn 6.000 giáo dân. Với tinh thần "Kính Chúa, yêu nước" và thực hiện phương châm "Sống phúc âm trong lòng dân tộc vì hạnh phúc của đồng bào", nhiều năm qua, các giáo xứ, giáo họ đạo trên địa bàn đã đoàn kết, thống nhất, tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Bà con giáo dân đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của gia đình. Điều đáng nói, không chỉ thi đua phát triển kinh tế, nhiều giáo xứ, giáo họ, hộ gia đình công giáo ở Văn Hải đã tích cực tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, xây dựng gia đình công giáo gương mẫu và các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, Văn Hải được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào hiến tặng giác mạc tiêu biểu của huyện. Nếu như năm 2009, Văn Hải có 6 giáo dân hiến giác mạc thì đến nay đã có 793 người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời. Trong số đó, nhiều người là anh em, bố mẹ, con cái trong gia đình, thậm chí cả nhà cùng đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Ông Trần Đức Hiệp, nguyên Chánh trương giáo xứ Văn Hải người gắn bó với phong trào hiến giác mạc tại địa phương từ những ngày đầu chia sẻ: Những ngày đầu tuyên truyền, vận động bà con hiến giác mạc rất khó khăn. Bởi người Việt ta vốn có câu "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay" và tâm niệm về một "thế giới bên kia" vẫn còn hiện hữu trong nhiều người. Do vậy, việc hiến tặng giác mạc không chỉ dựa vào sự tự nguyện của người hiến mà còn phụ thuộc vào tư tưởng của người thân, gia đình người hiến giác mạc. Với phương châm, "mưa dầm thấm lâu", chúng tôi không chỉ vận động thông qua đài truyền thanh xã mà còn đến từng nhà người dân để nói chuyện giúp mọi người hiểu được hiến giác mạc có ý nghĩa to lớn, có thể thay đổi được cuộc đời của người mù lòa. Bên cạnh đó, tôi cũng nhờ đến đức cha trong mỗi bài giảng ở nhà thờ, ngoài giảng giải về Kinh Thánh, các đức cha còn liên hệ thực tiễn về tình yêu thương, lòng bác ái, qua đó tác động đến nhận thức của bà con giáo dân. Từ đó, việc tuyên truyền về hiến giác mạc đã thực sự "thấm nhuần" vào tư tưởng, tình cảm của mỗi người nên số lượng giáo dân hiến giác mạc ngày càng tăng.
Cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải, chúng tôi đến thăm gia đình bà Đỗ Thị Mơ ở xóm Tây Cường. Gia đình bà Mơ là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào hiến giác mạc của xã Văn Hải bởi gia đình bà có 3 người đã hiến giác mạc (mẹ, chồng và anh trai). Bà Mơ xúc động cho biết: Noi gương những nghĩa cử cao đẹp của người đã khuất, tôi cũng đã đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời. Tôi hy vọng, đây là món quà mà tôi có thể gửi tặng lại cho những người mù lòa kém may mắn, giúp họ có cơ hội nhìn thấy cảnh vật thế gian...
Cũng như gia đình bà Mơ, hiện nay, nhiều giáo dân ở xã Văn Hải đã đăng ký hiến giác mạc khi qua đời. Hiện toàn xã đã có 36 người hiến giác mạc thành công. Từ những nghĩa cử cao đẹp của những người dân nơi đây mà nhiều người mù lòa nhìn thấy ánh sáng.
Ông Mai Văn Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn cho biết: Để phong trào hiến giác mạc phát triển rộng khắp, Hội Chữ thập đỏ huyện đã phối hợp với Ngân hàng Mắt Việt Nam thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức, kỹ năng vận động truyền thông hiến giác mạc cho các tầng lớp nhân dân trong huyện. Hội Chữ thập đỏ các xã, thị trấn cũng tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép với các chương trình công tác của tổ chức Hội. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ cũng đã phát huy vai trò của các tình nguyện viên nhằm nắm chắc những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh hiểm nghèo để có phương pháp tiếp cận tuyên truyền làm cho họ không chỉ tham gia mà còn nhiệt tình vận động người thân cùng tham gia. Điều làm nên sức thuyết phục của phong trào, đó chính là đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ, các cộng tác viên đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào bằng cách đăng ký tham gia hiến tặng giác mạc. Cùng với đó, hàng năm huyện đều tổ chức Lễ tri ân đối với những gia đình có người hiến tặng giác mạc và đăng ký hiến tặng khi qua đời, qua đó kịp thời tôn vinh nghĩa cử cao đẹp.
Phong trào hiến giác mạc đã thực sự trở thành phong trào nhân đạo có sức lan tỏa trong đồng bào công giáo và nhân dân huyện Kim Sơn. Hiện nay, toàn huyện đã có 10.189 người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời và kể từ năm 2007 đến nay, Kim Sơn đã có 229 người hiến tặng giác mạc thành công, giúp nhiều người mù nhìn thấy ánh sáng. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của những người được nhận mà còn là niềm vui của những người hiến và còn là sự trân trọng của xã hội dành cho những người "sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình".
Đức Nghĩa