Chiều ngày 27-4-2004, chúng tôi được Ban liên lạc Bộ đội đặc công tỉnh mời tham dự buổi gặp mặt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 28-4-2004. Bao lâu tôi mong được một lần gặp Đại tướng - một con người đã đi vào lịch sử và đi vào huyền thoại, nay mong ước ấy đã thành sự thật... và còn lớn hơn cả mong ước là được gặp Đại tướng trước ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.Theo lịch đăng ký, 15h Đại tướng tiếp đoàn, 14h30' chúng tôi có mặt ở khuôn viên ngôi nhà số 30, đường Hoàng Diệu - Hà Nội. Ngôi nhà cổ hai tầng xây theo kiến trúc Pháp nằm sâu bên trong, phía ngoài là khu vườn rộng với những hàng cây cổ thụ tạo một không gian tĩnh lặng lạ kỳ. Thư ký của Đại tướng mời chúng tôi vào nhà khách nằm cạnh ngôi nhà hai tầng Đại tướng nghỉ ngơi và làm việc.
Trong lúc chờ Đại tướng tiếp đoàn, tôi tranh thủ thăm quan nhà khách. Từ tiền sảnh vào đến các phòng treo không biết bao nhiêu là những bức trướng mừng thọ Đại tướng tuổi 80, tuổi 90. Những bức trướng được gửi đến từ nhiều vùng quê trên cả nước, với những lời chúc mừng thật trân trọng thể hiện tình cảm yêu mến vô bờ của nhân dân, của những cựu chiến binh, của những người lính với vị Đại tướng văn võ song toàn.
Trong phòng khách lớn có nhiều ảnh, tượng bán thân Bác Hồ và Đại tướng. Có một bức phù điêu chân dung Fidel Castro được treo ở vị trí trang trọng. Đặc biệt ở phòng khách nhỏ có hai pho tượng toàn thân rất đẹp của Bác Hồ. Một bức thể hiện khi Người về nước năm 1941, Bác mặc áo chàm, tay chống gậy, bức tượng gợi nhớ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu (Bác về im lặng con chim hót/ Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ).
Còn một bức tạc theo mẫu ảnh Bác ngồi làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Trong số chúng tôi ai cũng muốn có vài tấm hình kỷ niệm bên hai pho tượng của Bác. Còn thời gian tôi đi quanh nhà, thật ngạc nhiên khi thấy dưới hai cây ngọc lan lớn chi chít hoa là những luống rau xanh: một luống cà pháo cây còn nhỏ, một luống rau muống, một luống rau dền. Những chú chim sâu, chim chích chòe lách chách nhảy nhót trong những tán cây.
Khoảng 14h45' Đại tướng trong bộ quân phục xuất hiện cùng bác Hà (phu nhân của Đại tướng) xuống phòng khách lớn tiếp đoàn đại biểu của quận Ba Đình, quận Long Biên - Hà Nội. Phản ứng của nghề nghiệp khiến tôi cũng theo đoàn vào. Sau những lời chúc mừng Đại tướng của lãnh đạo đoàn, Đại tướng đã nói chuyện và ghi sổ lưu niệm. Khi chụp ảnh với đoàn, tôi thấy Đại tướng đặc biệt quan tâm tới một đồng chí thương binh ngồi trên xe lăn. Sau khi chụp ảnh xong, Đại tướng bắt tay anh và giữ hơi lâu.
Theo lịch ban đầu thì Đại tướng tiếp đoàn ban liên lạc bộ đội đặc công Ninh Bình cùng với đoàn đại biểu của tỉnh Bình Định nhưng hình như có sự "ưu tiên" của Đại tướng cho những người lính của binh chủng đặc biệt tinh nhuệ này nên Đại tướng đã tiếp đoàn ngay sau đó.
Theo chân Đại tướng vào phòng khách, tôi ngạc nhiên khi thấy Đại tướng và bác Hà không ngồi vào hai chiếc ghế chủ nhà như lần tiếp trước mà vòng sang ngồi ở chính giữa dãy ghế vẫn dành cho các đoàn khách. Chúng tôi ùa đến đứng, ngồi xung quanh. Thì ra Đại tướng muốn ngồi quây quần cùng với những người lính của mình.
Sau những cú chớp ảnh đầu tiên,Đại tướng bắt đầu ngay câu chuyện: Đồng chí nào là trưởng đoàn? Đại tá Trần Duy Thị, trưởng ban liên lạc bộ đội đặc công Ninh Bình đã trân trọng chúc mừng sức khỏe Đại tướng và bác Hà, sau đó báo cáo với Đại tướng những thành tích mà các cựu chiến binh bộ đội đặc công đã đạt được trong cuộc sống đời thường.
Đại tướng vui lắm, Đại tướng nói đại ý: Những người lính đặc công đã anh hùng trong chiến đấu thì nay càng phải nỗ lực hơn trong cuộc sống đời thường, phải là những anh hùng của cuộc sống mới. Đã 94 tuổi nhưng Đại tướng nói rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết thể hiện sự minh mẫn hiếm thấy.
Khi đồng chí thư ký nhắc Đại tướng nghỉ để tiếp các đoàn khách sau, Đại tướng xua nhẹ tay và nói với đoàn: Tôi nhờ các đồng chí tìm giúp địa chỉ của các chiến sĩ trong tiểu đội nữ bộ đội Trường Sơn tôi đã gặp ở đỉnh đèo Fulanhich trên đường mòn Hồ Chí Minh.
Đại tướng nói tiếp: Khi tôi đi thị sát chiến trường, vào đến đây thì một chiến sĩ đã ôm lấy tôi và nói: Đại tướng đi nhanh qua đèo, bọn chúng sắp ném bom rồi đó. Sau khi tôi đi qua thì một loạt bom nổ ở đỉnh đèo. Nay tôi muốn tìm gặp lại những chiến sĩ đó! Đứng ngay sau lưng Đại tướng, nghe rõ từng lời, tôi lặng người xúc động.
Vị Đại tướng vĩ đại với những chiến công hiển hách như Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, vị Đại tướng của ngàn ngàn chiến sĩ mà trải qua ba, bốn mươi năm vẫn không quên, vẫn không nguôi ngoai hình ảnh về những người chiến sĩ đã gặp trên trọng điểm ác liệt của chiến trường xưa. Tôi ngẩng lên bắt gặp bức trướng thêu dòng chữ: "Trọn đời vì nước vì dân. Là thầy là tướng nghĩa nhân làm đầu. Võ Văn Nguyên Giáp song toàn. Như thần thấu suốt nhân gian lòng người ...".
Chúng tôi còn muốn ngồi thêm chút nữa nhưng phía ngoài có mấy đoàn khách đã đến, trong đó có các vận động viên trong đoàn đua xe đạp về Điện Biên do Báo Quân đội nhân dân tổ chức và tôi biết theo lịch chiều nay Đại tướng còn tiếp đoàn anh hùng và thân nhân anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình như Điện Biên Phủ và ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu - Hà Nội là hai địa chỉ mà mọi người dân Việt Nam đều mong muốn được đến trong những ngày này.
Ghi chép của Nguyễn Thế Dũng
Ninh Bình, 7-5-2004