Nhà chị Nhài và anh Nguyễn Văn Tự ở cách nhau vài cây số. Không cùng làng, cùng xã nhưng cái tiếng về một chàng trai thảo hiền, nghị lực thì chị Nhài nghe về anh đã lâu. "Anh Tự là con út trong gia đình có 6 anh, chị em. Khi sinh ra anh, bố mẹ đã khá cao tuổi. Các anh, chị trong gia đình lần lượt có gia đình và ra ở riêng. Thương bố mẹ, anh Tự học hành chăm chỉ và là lao động chính trong gia đình. Học xong THPT, anh Tự xung phong đi bộ đội rồi trưởng thành trong môi trường quân đội. Cho đến hôm nay, anh Tự đã là một trung úy công tác ở đảo Đá Đông" - chị Nhài tự hào kể về người chồng mà chị nhất mực yêu thương.
Ngót chục năm nên nghĩa vợ chồng, song thời gian mà vợ chồng chị Nhài ở bên nhau thì chỉ đếm được bằng ngày. Chị Nhài kể, một năm sau ngày cưới, bé gái đầu lòng chào đời, hạnh phúc của anh chị nhân lên gấp bội. Từ khi vợ mang thai đến khi sinh con gái đầu lòng được… 3 tháng, anh Tự mới lần đầu tiên được về thăm vợ con. Quấn quýt bên vợ con được mươi ngày phép, anh Tự lại xách ba lô ra đảo. Năm 2012, chị Nhài lại sinh thêm bé gái thứ 2. Cũng giống lần trước, lần vượt cạn thứ hai của chị cũng không có chồng ở bên. "Dạo này bé con hay ốm vặt, lại đang giai đoạn mọc răng nên vất vả lắm. Tuy vậy, mỗi lần anh Tự điện về, tôi không dám nói sợ làm anh lại lo lắng. May mà có bố mẹ và các anh chị ở gần chứ không thì tôi không biết xoay sở thế nào".
Nghe con dâu trải lòng mà mẹ chồng chị trào nước mắt. Bà xúc động: "Con nói có bố mẹ chồng giúp đỡ làm tôi thương con nhiều hơn. ở cái tuổi 75, lại mắc bệnh tiểu đường, mắt kém đi nhiều nên tôi đâu có đỡ đần gì được con dâu. Trong khi đó, ông nhà tôi lại bị tai biến hơn một năm nay, chẳng nghe và nói được gì. Mọi gánh nặng gia đình đặt trọn lên vai cô con dâu hiền thảo. Vậy mà, chưa bao giờ con dâu tôi than thở hay tỏ ra mệt mỏi". Chị Nhài cấy vài sào ruộng, mỗi lúc đi làm, mấy mẹ con lại đùm dúm nhau xuống gửi nhà ngoại. Trưa về tất tả đón con rồi lại lo cơm nước cho cha mẹ chồng. Để có thêm thu nhập lo cho con và phụng dưỡng cha mẹ chồng, chị Nhài làm thêm nghề làm và bán vòng hoa. Vất vả là vậy, nhưng mỗi khi nhận được điện thoại, nghe giọng nói mạnh mẽ, khỏe khoắn của chồng là chị lại vui, quên hết mọi nhọc nhằn. "Giặt cho chồng bộ quần áo, có chồng bên cạnh lúc nửa đêm khi con bất chợt lên cơn sốt, vợ chồng con cái cùng về ngoại những khi giỗ chạp… những điều tưởng chừng rất đỗi bình thường ấy trong cuộc sống hàng ngày của bất cứ người phụ nữ nào lại trở thành nỗi khát khao cháy bỏng của bất kỳ người vợ lính đảo nào giống như tôi. Nhưng mình khổ còn có gia đình, chòm xóm ở bên cạnh, so với các anh, những người lính nơi đầu sóng ngọn gió thì chẳng đáng gì, nghĩ vậy mà mình thêm mạnh mẽ hơn" - chị Nhài trải lòng.
Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Khi trời đất chuẩn bị vào xuân, lòng người cũng thêm rạo rực. Đây đó, đã có những gia đình sắm sửa để chuẩn bị đón Tết. Và với chị Nhài, lại một mùa xuân nữa chồng vắng nhà. Công việc cuối năm của nhà nông bận rộn, chị lại vừa phải trang thủ cùng bố mẹ chồng sửa sang lại ngôi nhà cũ, chăm sóc khu vườn rau xanh để chuẩn bị đón Tết. Chị Nhài phấn chấn, có thể anh Tự sẽ được về vào dịp sau Tết, bởi thế mà tôi trồng thêm nhiều rau xanh để dành cho anh về ăn thỏa thích. Lính đảo mà, rau xanh là thèm nhất đó.
Chia tay gia đình chị Nhài khi ánh nắng cuối ngày đang dần tắt. Câu chuyện của chị, nghị lực của chị khiến chúng tôi mê mải trong dòng suy nghĩ trên suốt chặng đường về. Đã gặp và làm bạn với những người vợ lính đảo như chị Nhài chúng tôi mới thấu hiểu rõ được những vất vả, nối nhớ nhung đến quay quắt của các cặp "vợ chồng Ngưu" khi mỗi năm, thậm chí vài năm mới được gặp nhau một lần. Chúng tôi thêm cảm phục tình yêu và lòng tin mà họ trao nhau. Bằng niềm tin giản dị ấy, người vợ tảo tần thêm mạnh mẽ, thu vén cho gia đình ở quê nhà, còn những người lính đảo lại vững chắc tay súng nơi đảo xa.
Bài, ảnh: Đào Hằng