Phóng viên: Thưa đồng chí, những năm qua, Ngành Y tế Ninh Bình đã đạt được những kết quả nổi bật như thế nào?
Đ/c Vũ Mạnh Dương: Những năm qua, ngành Y tế Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu như: Không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn trong nhiều năm liên tiếp. Mặc dù trên thế giới và trong nước ghi nhận những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện của các bệnh nguy hiểm, mới nổi như: Cúm A (H1N1), cúm A (H7N9), MERS-coV, Ebola, tay chân miệng... và gần đây là Covid-19, nhưng ngành Y tế Ninh Bình đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra.
Chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện đã có nhiều tiến bộ. Vấn đề quá tải bệnh viện đã được giải quyết triệt để ở hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật phức tạp trước đó chưa thực hiện được, nay đã được triển khai ngay tại địa phương, như: Phẫu thuật sọ não sâu, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật cắt khối tá tụy, phẫu thuật nội soi các tạng trong ổ bụng; nội soi can thiệp mạch não, mạch vành tim, mạch tạng, mạch chi, khai thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não cấp, điều trị đích trong ung thư, lọc máu, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật phaco; cấp cứu nuôi sống trẻ sơ sinh nhẹ cân từ 500-700 gram…. Đặc biệt vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trang bị hệ thống máy xạ trị hiện đại, thời gian tới, các bệnh nhân ung thư phải điều trị xạ trị sẽ không phải lên tuyến trung ương điều trị.
Hệ thống tổ chức và nhân lực y tế ngày càng được củng cố, tinh gọn và hiệu quả. Trong những năm qua, đã kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống y tế: Giảm 1 phòng thuộc Sở Y tế; 1 phòng thuộc Chi cục ATVSTP; giảm 9 đầu mối đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế từ 32 xuống còn 23; giảm 8 Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ so với năm 2015. Bên cạnh đó, tích cực triển khai việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến cuối năm 2019 đã cắt giảm được 153 biên chế và chuyển đổi sang cơ chế tự chủ 1.275 biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng lên, tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ đại học, sau đại học ngày càng tăng, từ 31,5% (năm 2016) lên 48,4% (năm 2019).
Chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu được nâng lên rõ rệt nhờ sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, thể hiện ở kết quả xây dựng Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 với 139/145 xã đạt, chiếm 95,9%, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tỉnh giao (đạt 80% vào năm 2020).
Tuyên truyền trực quan về phòng, chống dịch bệnh Covid -19 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan. Ảnh: Đinh Minh
Phóng viên: Được biết, công tác y tế dự phòng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần làm giảm bớt tình trạng bệnh tật của cộng đồng. Vậy ngành Y tế đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác này như thế nào?
Đ/c Vũ Mạnh Dương: Với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", ngành Y tế coi công tác y tế dự phòng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hàng năm, Sở tham mưu cho BCĐ phòng, chống dịch bệnh của tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở người, từ đó, các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Đối với ngành Y tế, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Sở Y tế giao cho các đơn vị trực thuộc phụ trách các lĩnh vực, phạm vi cụ thể, trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) là đầu mối, chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện; tích cực tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch sớm, cách ly, khoanh vùng, xử lý môi trường; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm CDC tỉnh quan tâm phát triển đội ngũ làm công tác dự phòng, không ngừng nâng cao chất lượng phòng, chống dịch bệnh.
Hàng năm, Trung tâm CDC thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo do Trung ương tổ chức, đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn cho mạng lưới làm công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở về điều tra, giám sát và các nghiệp vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nhờ đó, đội ngũ làm công tác dự phòng ngày càng chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, luôn chủ động bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để bệnh dịch. Kết quả, năm 2019, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn, một số ổ dịch nhỏ được khống chế kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Phóng viên: Là cơ quan Thường trực và chịu trách nhiệm về chuyên môn, ngành Y tế đã có những biện pháp cụ thể nào để chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19?
Đ/c Vũ Mạnh Dương: Với tinh thần quyết liệt, chủ động và sẵn sàng ứng phó với dịch, Sở Y tế tham mưu với UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch, kịch bản, triển khai đồng bộ các giải pháp để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Sở cũng ban hành nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chúng tôi xác định, phòng, chống dịch bệnh không thể chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà cần sự vào cuộc, chỉ đạo của toàn xã hội, nhất là vai trò của các ngành chức năng như Công an, Du lịch, Công thương, Ban Quản lý các KCN... trong quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe, tình hình dịch tễ của người nước ngoài từ vùng dịch nhập cảnh vào Ninh Bình, người lao động Ninh Bình đi làm việc bên Trung Quốc về nước, những người đi tham quan, du lịch đến từ vùng dịch, giáp dịch... Ngành Y tế cũng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, yêu cầu cam kết bình ổn giá khẩu trang y tế, các mặt hàng phòng chống dịch bệnh...
Các đơn vị trong ngành Y tế cũng đều xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 tại đơn vị, phân công nhiệm vụ cho các khoa, phòng, bộ phận triển khai thực hiện. Thành lập các đội đáp ứng nhanh, đội phòng chống dịch cơ động, phân công nhiệm vụ trực phòng, chống dịch. Đặc biệt chủ động xây dựng phương án tiếp nhận, phân loại, cách ly, điều trị người bệnh; bố trí khu vực cách ly, điều trị dịch bệnh Covid - 19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi và các Trung tâm Y tế, Bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát phát hiện; chẩn đoán, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường giám sát dịch tễ đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, các trường hợp đi đến từ vùng có dịch, vùng giáp dịch nhằm phát hiện sớm các ca nghi mắc đầu tiên để có biện pháp cách ly, giám sát, xét nghiệm...
Cùng với đó, phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện phun thuốc khử trùng tất cả các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; đồng thời tham mưu UBND tỉnh tăng cường kinh phí để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là mua sắm trang thiết bị phòng hộ và các máy móc hiện đại phục vụ điều trị bệnh dịch Covid-19. Có thể nói, ngành Y tế đã chủ động tham mưu, triển khai và tập trung rất cao tất cả các phương án phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi xảy ra dịch bệnh.
Phóng viên: Ngành Y tế xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
Đ/c Vũ Mạnh Dương: Trước mắt, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn là nhiệm vụ hàng đầu, ngành Y tế sẽ tiếp tục tập trung phòng dịch, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, ngành y tế Ninh Bình tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, không để dịch bệnh lớn xảy ra; tập trung phát triển y học gia đình theo quy định của Bộ Y tế; đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và triển khai quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở.
Không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường; đầu tư phát triển các kỹ thuật cao, tiên tiến. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quản lý Dược và thiết bị y tế bằng việc thực hiện tốt đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà thuốc trên toàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ thực phẩm chức năng và hàng hóa có nguy cơ gây hại cho sức khỏe; kiểm soát việc sử dụng thuốc, kinh doanh thuốc đã quá hạn sử dụng.
Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, đẩy mạnh tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân; khuyến khích các hình thức xã hội hóa trong triển khai các dịch vụ y tế cao; tăng chi thường xuyên cho y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số - phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong toàn ngành, triển khai và sớm hoàn thiện hồ sơ sức khỏe người dân, triển khai bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, tiếp tục triển khai tốt dịch vụ công mức độ 3,4...
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Mỹ Hạnh