Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật ngành Y tế đạt được trong năm 2023?
Đ/c Phạm Thị Phương Hạnh: Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Bên cạnh những thuận lợi, công tác y tế chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi từ tình hình trong nước và quốc tế như: đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên thị trường thế giới, bệnh dịch mới xuất hiện, tình trạng hậu COVID-19, lạm phát...
Song ngành Y tế Ninh Bình đã có nhiều tiến bộ trên các lĩnh vực công tác và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân và 16/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu được tỉnh giao, kiểm soát, khống chế thành công các bệnh truyền nhiễm; tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển y tế cơ sở; một số chỉ tiêu đạt cao hơn hoặc tốt hơn so với bình quân chung của toàn quốc như: Số bác sỹ trên vạn dân đạt 12,75 (toàn quốc 12,5), số giường bệnh trên vạn dân đạt 42 (toàn quốc đạt 32), tuổi thọ trung bình đạt 74,3 (toàn quốc 73,7), tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đạt 0,53 (toàn quốc 11,6), tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đạt 0,66 (toàn quốc 18,2); đáng lưu ý, một số chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giao đã vượt kế hoạch đề ra như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi đạt dưới 18,9% (chỉ tiêu giao dưới 19), số giường bệnh trên vạn dân đạt 42 (chỉ tiêu giao 41).
Đạt được những kết quả trên, công tác Y tế luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, linh hoạt để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, góp phần ổn định xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế. Công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng, chủ động giám sát khoanh vùng dập dịch từ sớm. Các dịch vụ y tế phát triển đa dạng, phong phú tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người bệnh; trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ được nâng lên, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng có hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác dân số, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm đẩy mạnh. Tổ chức mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố và phát triển; nhiều cơ sở y tế được xây mới, nâng cấp, bảo dưỡng và sửa chữa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân. Công tác chuyển đổi số được chú trọng, ngành Y tế đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động của ngành cũng như cung cấp dịch vụ y tế cho người dân.
PV: "Hướng tới sự hài lòng của người bệnh", ngành Y tế đã có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Phạm Thị Phương Hạnh: Trong những năm qua, ngành Y tế Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cùng trong thực trạng chung của ngành Y tế cả nước, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, đặc biệt là về giao tiếp, ứng xử của cán bộ y tế gây bức xúc trong dư luận xã hội, chậm được khắc phục, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do một số đơn vị còn thiếu sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các giải pháp, hoạt động để triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ.
Thực hiện Thông tư 07/2014/TTBYT về quy tắc ứng xử của cán bộ y tế; Quyết định số 2151/QĐ-BYT về "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh", Sở Y tế đã thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động, giải pháp về quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế song song với công tác cải tiến chất lượng bệnh viện, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng chuyên môn, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... đã phát huy hiệu quả, làm chuyển biến thái độ, hành vi giao tiếp, ứng xử của từng cán bộ y tế từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ đến từng cán bộ phục vụ như bảo vệ, trông coi xe trong việc thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, coi mỗi người bệnh, người dân sử dụng dịch vụ y tế là "một khách hàng đặc biệt" đang sử dụng "một dịch vụ đặc biệt là dịch vụ bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe".
Sở Y tế đã quyết liệt, kiên quyết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hạn chế đến mức thấp nhất đồng thời phấn đấu không để xảy ra các vụ việc tiêu cực, vi phạm về hành vi, ứng xử, không để người dân, người bệnh phải bức xúc khi đi khám, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế; tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh, xây dựng quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị triển khai, ký cam kết để thực hiện, từng đơn vị trực thuộc đã triển khai ký kết giữa lãnh đạo đơn vị với lãnh đạo khoa phòng, giữa lãnh đạo khoa phòng với từng cán bộ, nhân viên.
Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị triển khai hiệu quả các nội dung: xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh hằng năm gắn với một số nhiệm vụ trọng tâm về thực hiện cải tiến chất lượng bệnh viện, thực hiện 5S, triển khai thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, nhiệm vụ của công chức, viên chức; định kỳ triển khai thực hiện đo lường sự hài lòng của người bệnh, người dân với dịch vụ y tế công, thực hiện khảo sát định kỳ mức độ hài lòng của người bệnh theo bộ công cụ của Bộ Y tế ban hành; tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư 07/2014/TT-BYT, Quyết định 2151/QĐ-BYT tại các đơn vị, từng khoa, phòng bộ phận trong đơn vị; đưa kết quả thực hiện đổi mới vào tiêu chí đánh giá bình xét cán bộ; kiên quyết trong xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm; kịp thời trong khen thưởng, biểu dương cán bộ làm tốt; định kỳ tập huấn, tập huấn lại Thông tư số 07/2014/TT-BYT, Quyết định 2151/QĐ-BYT gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế.
Hàng năm, Sở Y tế đều tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác triển khai, thực hiện của đơn vị, khảo sát sự hài lòng của người bệnh của tất cả các đơn vị...
Việc triển khai hiệu quả đồng bộ những giải pháp nêu trên trong thời gian qua đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt của ngành Y tế Ninh Bình về thái độ, phong cách phục vụ được người bệnh, nhân dân đánh giá cao, thể hiện qua kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh nội trú đều đạt tỷ lệ hài lòng cao và tăng dần qua các năm.
PV: Thưa đồng chí, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới" được ngành Y tế Ninh Bình chú trọng vào những giải pháp gì?
Đ/c Phạm Thị Phương Hạnh: Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngành Y tế Ninh Bình đã tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau: Tiếp tục tham mưu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; bám sát các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch... của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong triển khai các nhiệm vụ công tác y tế; tập trung kiện toàn, sắp xếp mạng lưới y tế đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, đúng quy định; chủ động, tích cực trong triển khai công tác phòng chống dịch bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện, bao vây dập dịch không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh; chú trọng nâng cao chất lượng dân số, chuyển đổi trọng tâm các nhiệm vụ công tác dân số từ dân số-kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển thông qua đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, quản lý và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, ...; quan tâm triển khai tốt các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm qua việc tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, không để xảy ra tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các hoạt động y tế dự phòng, y tế cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, quan tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, ... và duy trì nguồn lực để phòng chống một số bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng như: Lao, HIV/AIDS ... Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, ngành ưu tiên triển khai tại vùng sâu, vùng xa, các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và các địa phương xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đổi mới, cải cách các thủ tục hành chính tại các cơ sở khám chữa bệnh, giảm tối đa các thủ tục gây phiền hà cho người bệnh; chú trọng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt là chuyên môn sâu, kỹ thuật mũi nhọn cũng như tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế với người bệnh; tăng cường triển khai, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến trong khám, chữa bệnh cho Nhân dân; thực hiện có hiệu quả đề án Bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành ở Trung ương, tiếp thu và triển khai nhiều kỹ thuật cao, mũi nhọn từng bước tạo thương hiệu, củng cố niềm tin của Nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận về ngành Y tế Ninh Bình.
Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong ngành y tế tại 3 tuyến: tỉnh, huyện và xã. Quản lý hồ sơ sức khỏe người dân, tích hợp dữ liệu tham gia khám chữa bệnh với dữ liệu Bảo hiểm xã hội. Gắn mã hồ sơ sức khỏe cá nhân với mã số định danh công dân, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước theo định hướng của Bộ Y tế. Tăng cường công tác quản lý thuốc, trang thiết bị, công trình y tế theo đúng quy định.
Đảm bảo thuốc, vật tư y tế sử dụng cho công tác khám, chữa bệnh; không để xảy ra việc buôn bán thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc. Trang thiết bị y tế được mua sắm công khai, minh bạch, đảm bảo tính cạnh tranh và được đưa vào quản lý, sử dụng hiệu quả. Đẩy mạnh triển khai tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế theo quy định; tích cực tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm nhằm mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)