Ông Lực rất vui khi kể chuyện với chúng tôi về cách làm giàu từ nuôi ong, nuôi nhím trên mảnh đất vùng cao này. Trước đây, do sống gần rừng, người dân bản Đồng Chạo (xã Kỳ Phú) thường vào rừng chọc, đốt tổ ong lấy mật đem về bán thể cải thiện đời sống. Sản phẩm mật ông ở đây rất tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao nên tiêu thụ khá dễ dàng. Tuy nhiên mật rừng không để cung cấp đủ cho nhu cầu trên thị trường, chính vì vậy ông Lực quyết định chọn nghề nuôi ong lấy mật để vươn lên làm giàu. Ngay từ năm 1973, khi còn đang công tác tại trạm y tế xã Kỳ Phú, ông đã bắt đầu học nghề nuôi ong lấy mật. Ông đi học hỏi kinh nghiệm nuôi ong ở nhiều nơi và thường xuyên sưu tầm những tài liệu, bài báo về nghề nuôi ong theo phương châm vừa học vừa làm. Đến nay, đàn ong của ông dần dần được nhân lên và ông đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề này. Về bí quyết thành công trong nghề, ông Lực cho biết, nuôi ong cần nắm chắc chu kỳ sinh trưởng, phát triển của chúng và đặc biệt phải phát hiện sớm các loại bệnh để chữa trị kịp thời.
Thời gian nuôi ong tốt nhất là từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, vì đó là thời điểm có nhiều hoa, nhờ vậy mật ong thời kỳ này cũng ngon nhất. Thùng nuôi ong cần chọn những loại gỗ không có mùi, như gỗ sung, mít, xoan, keo và đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát. Người nuôi phải chú ý lúc kiểm tra ong cần thật nhẹ nhàng, đặc biệt nếu uống bia, rượu không nên kiểm tra. Nếu thấy hiện tượng ong thợ bỏ đi, thì bắt ong chúa nhốt vào lồng lưới, treo ở chuồng, ong sẽ quay về... Nhờ nắm chắc kiến thức nuôi ong nên đàn ong của gia đình ông luôn ổn định. Có thời điểm ông có trên 40 đàn ong. Nuôi ong cho hiệu quả cao và đời sống gia đình ông trở nên khá giả. Ông còn cung cấp ong giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho nhiều hộ trong bản. Nhờ đó một số hộ đã có thu nhập khá từ tiền bán mật. Hiện nay, gia đình ông còn 13 đàn ong nuôi, cho thu nhập gần 20 triệu đồng/năm.
Không chỉ dừng lại ở nghề nuôi ong, ông Lực còn là người đi đầu trong việc đưa vào nuôi những con nuôi có hiệu quả kinh tế cao khác như: nhím, thỏ, dúi... Theo ông Lực thì điều kiện ở Kỳ Phú rất thuận lợi cho việc nuôi những con nuôi này, đặc biệt là nhím. Bởi đất đai ở đây khá rộng, thức ăn cho nhím khá đơn giản và dễ tìm (chỉ là lá cây rừng, lá xu hào, lá đu đủ...), đầu tư chuồng trại không tốn kém, nhím ít bị bệnh lại cho giá trị kinh tế cao. Trên thị trường hiện nay, giá mỗi cặp nhím giống trên 3 triệu đồng, thịt nhím thơm ngon, là món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích. Mật, dạ dày, lông nhím dùng làm thuốc chữa bệnh dạ dày, thuốc xoa bóp... Vì vậy đầu ra đối với con nhím là khá dễ dàng. Tuy mới đưa vào nuôi từ năm 2005, nhưng đến nay cùng với đàn ong, đàn nhím của gia đình ông đang phát triển tốt, năm 2007 ông đã thu được 40 triệu đồng từ tiền bán nhím.
Bài, ảnh: Quốc Khang