Qua tìm hiểu các mô hình và nhiều cách làm khác nhau, ông thấy sản xuất các mặt hàng từ thảm cói rất phù hợp với điều kiện về nguồn lao động dư thừa và nhàn rỗi trong nhân dân, năm 1991, ông quyết định mang nghề về cho gia đình và bà con trong xóm với quy mô nhỏ. Khi đó cơ sở của ông chỉ là khâu trung gian, mua nguyên liệu về cho bà con làm và ông lại xuất bán cho các doanh nghiệp khác làm những khâu cuối cùng. Với uy tín đã tạo dựng được, cơ sở của ông thu hút người lao động ngày càng đông không chỉ ở trong xã mà lan sang cả các xã xung lân cận như Yên Thành, Yên Mạc, Yên Mỹ.... Do nhu cầu về giải quyết việc làm và nâng cấp năng lực sản xuất, năm 2002 ông quyết định mở rộng quy mô, thành lập doanh nghiệp lấy lên "Doanh nghiệp sản xuất thảm cói Thành Sơn".
Ông Đoàn Ngọc Sơn kiểm tra sản phẩm cói tại xưởng.
Ông đã thuê đất, vay thêm ngân hàng mở xưởng, sân phơi trên diện tích đất 1500m2. Doanh nghiệp đã nâng cấp về hoạt động, từ thu mua sản phẩm sang làm trọn gói, mua nguyên liệu, làm sản phẩm thô, làm bóng....đến đóng gói, dán nhãn mác để xuất bán. Doanh nghiệp nhập nguyên liệu chủ yếu từ Kim Sơn, Nga Sơn (Thanh Hóa). Các sản phẩm của doanh nghiệp có hàng trăm mẫu mã khác nhau được những bàn tay khéo léo của những người thợ bán chuyên nghiệp tạo nên từ cây cói và bèo bồng. Là các sản phẩm dễ tiếp cận và dễ làm nên hầu như sản phẩm của doanh nghiệp làm ra có chất lượng không thua kém các doanh nghiệp lớn. Sản phẩm của doanh nghiệp được xuất sang các thị trường Mỹ, Đài Loan, Nhật bản, Nga, Brazin,.....thông qua các đơn vị làm hoạt động xuất ủy thác. Mỗi tháng doanh nghiệp xuất khoảng 210 khối hàng (tương đương với 6 vạn sản phẩm), có những ngày cao điểm doanh nghiệp xuất từ 3 - 5 tấn thảm cói. Mặc dù là một doanh nghiệp nhỏ, mỗi năm chỉ đạt doanh thu từ 100 - 150 triệu đồng, nhưng thành công lớn nhất mà doanh nghiệp đã tạo ra là tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.400 lao động ở các xã lân cận trong lúc nông nhàn, với mức thu nhập từ 15.000 - 30.000 đồng/ngày, góp phần cải thiện cuộc sống và đưa kinh tế của người nông dân dần dần đi lên. Doanh nghiệp cũng tạo ra việc làm thường xuyên cho 12 lao động làm việc tại tại xưởng, làm các công tác kỹ thuật như phơi, nhuộm, đánh bóng, đóng gói.....với thu nhập bình quân từ 900.000 - 1.300.000 đồng/tháng. Ngoài sản xuất, doanh nghiệp còn là cơ sở dạy nghề cho bà con nông dân. Thông qua các quỹ hỗ trợ của huyện, tỉnh, các xã đã liên hệ với doanh nghiệp mở các lớp học nghề theo hợp đồng, sau khi học xong doanh nghiệp cũng đảm nhận việc tiêu thụ sản phẩm và tạo việc làm cho học viên.
Bài, ảnh: Hương Giang