Chị Quách Thị Xuân cho biết, Phú Long là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Nho Quan do địa hình phức tạp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48% dân số, cũng giống như nhiều người dân nơi đây cuộc sống những năm đầu của hai vợ chồng chị gặp muôn vàn khó khăn, hầu như năm nào cũng có vài tháng đói giáp hạt.
Sinh ra, lớn lên và gắn bó với quê hương vùng cao, có những điều kiện thuận lợi nhất định về đất đai rộng rãi, đồi rừng trù phú, chẳng lẽ cam chịu đói nghèo mãi, vợ chồng chị Xuân bắt đầu suy nghĩ và nung nấu ý định phát triển kinh tế khi được dự những lớp tập huấn chuyển giao KHKT do Hội Nông dân xã và huyện tổ chức. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng", lại được Hội nông dân xã tạo điều kiện cho hội viên đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế bằng chăn nuôi, như: Dê, lợn siêu nạc, lợn lòi, lợn bản địa, hươu, nai,…, là những con nuôi phù hợp với địa hình miền núi đất rộng, người thưa, cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy mô hộ gia đình.
Qua tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi lợn siêu nạc, chị Xuân nhận thấy diện tích đất rộng của gia đình phù hợp với việc nuôi lợn, môi trường trong sạch cũng sẽ ít dịch bệnh, nên đầu năm 2013, gia đình chị Xuân gom góp vốn, vay mượn thêm của anh em, họ hàng xây dựng chuồng trại, đầu tư mua 11 con lợn nái giống, trị giá 80 triệu đồng. Nhờ chuẩn bị tốt các điều kiện, kiến thức về giống, vốn, kỹ thuật, việc chăn nuôi tương đối thuận lợi. Đặc biệt chị Xuân đã tích cực học hỏi nên chủ động được con giống và một phần thức ăn nên thu nhập từ chăn nuôi lãi cao hơn các hộ chăn nuôi khác. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm gia đình chị cung cấp ra thị trường 10 - 12 tấn thịt lợn thương phẩm, trừ các loại chi phí, thu lãi 180-200 triệu đồng/năm.
Tích cóp được ít vốn từ nguồn thu chăn nuôi, nhận thấy nhu cầu của bà con nhân dân trong khu vực về phân bón cho sản xuất nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, chị Xuân mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng dịch vụ cung ứng phân bón và các loại thức ăn chăn nuôi cho người dân trong xã. Mỗi năm, gia đình chị cung ứng cho bà con từ 150-170 tấn phân bón các loại, từ 50-60 tấn thức ăn chăn nuôi, tổng doanh thu từ cung ứng phân bón và thức ăn chăn nuôi mỗi năm trên 1,3 tỷ đồng, thu lãi cho gia đình trên 100 triệu đồng.
Cùng với đó, thực hiện chương trình khuyến khích người dân phát triển kinh tế đồi rừng, chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất kinh tế, gia đình chị Xuân nhận khoán 1,5 ha rừng để trồng keo tai tượng. Cứ 6 năm 1 lần cho thu hoạch 200 triệu đồng/ha, hiện đã thu hoạch được 2 vụ. Thêm vào đó, gia đình cũng có 1,5ha đất sản xuất trồng dứa và mía trắng, xuất bán cho các công ty theo hợp đồng ký kết, cho thu nhập 150-200 triệu đồng/năm.
Sau nhiều năm nỗ lực vượt khó, hiện tổng thu nhập mỗi năm của gia đình chị Xuân lên tới 600-700 triệu đồng. Gia đình chị đã xây dựng được căn nhà 150m2 kiên cố, mua sắm được nhiều phương tiện, đồ dùng hiện đại, đắt tiền như ô tô, xe máy, điều hòa, ti vi, tủ lạnh... Kinh tế thu nhập ổn định cũng tạo điều kiện cho gia đình chị Xuân nuôi 2 con hiện đã học xong đại học, ra trường có việc làm ổn định.
Theo chị Quách Thị Xuân, để có được cuộc sống đầy đủ, có của ăn của để như hiện nay, chị rút ra kinh nghiệm từ bản thân là phải có ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn và niềm say mê với công việc đã chọn. Đối với các con nuôi phải lựa chọn con giống phù hợp với đặc thù địa phương. Đồng thời tích cực áp dụng KHKT trong quá trình chăn nuôi thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thêm vào đó phải nắm bắt được quy luật, giá cả thị trường, tích cực quảng bá sản phẩm, giữ vững chất lượng và uy tín đối với khách hàng… Chị Xuân cũng mong muốn, các cấp, các ngành quan tâm hơn đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm, tránh bị ép giá; tạo điều kiện cho hộ dân được vay vốn ưu đãi của các ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế; xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả để triển khai và nhân ra diện rộng; tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn và chuyển giao KHKT để người dân có thêm kiến thức, trình độ, tích cực áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mai Phương