Người trồng rau ở thôn Liên Trì 2 cho biết: Rau rút đã được đưa vào sản xuất tại thôn từ năm 2003 bên cạnh cây trồng chủ lực là cây lúa. Trồng rau, nuôi cá là phụ nhưng lại mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ trong thôn ở vụ đông xuân; hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa 2-3 lần. Mỗi sào trồng rau, trừ chi phí thu lãi trung bình 2-3 triệu đồng.
Để có được rau giống, một số hộ gia đình phải trực tiếp vào tận trong thị trường miền Nam mua và sau đó về bán cho bà con nông dân trong thôn với giá 5.000 đồng/ ngọn. Sau đó, phải đợi thời điểm thuận lợi thì mới có thể trồng được vì loài rau này khá khó tính và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi đã xuống giống thì bà con nông dân phải tưới đạm, lân để cho cây sinh trưởng và phát triển với tỉ lệ ngày càng tăng.
Nguồn nước trong ao là một yếu tố vô cùng quan trong, ảnh hường trực tiếp tới chất lượng rau rút. Nước phải đảm bảo là nước sạch và thường xuyên thay nước vì nếu nước bẩn thì rất dễ xuất hiện rêu, làm ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng rau. Do đó, ao phải được khử trùng bằng vôi bột trước khi cho nước nào. Ngày nào cũng phải chú ý tới nguồn nước trong ao, bắt ốc bươu vàng hại rau…
Kỳ công chăm sóc nhưng công sức người nông dân bỏ ra cũng chẳng thu lại là bao khi rau ngày càng rớt giá. Ông Phạm Văn Lệnh, một người trồng rau rút lâu năm cho biết: Không như trồng lúa, rau rút cho thu nhập liên tục, cứ 5-7 ngày thu hoạch một lứa khoảng 400 ngọn/sào.
Thời điểm đầu vụ, rau bán được giá, 2-3 nghìn đồng/ ngọn rau thương phẩm. Nhưng dần dần vào chính vụ thu hoạch thì giá ngày càng đi xuống, có khi chỉ còn bán được với giá 300 đồng/ngọn. Tính ra thì chỉ là lấy công làm lãi, những đó là những khi bán được rau, chứ không bán được thì công sức, tiền của coi như đổ đi.
Không chỉ riêng gia đình ông Phạm Văn Lệnh mà nhiều hộ gia đình trồng rau rút ở đây cũng chung nỗi lo vì giá rau thường giảm một cách nhanh chóng, thị trường tiêu thụ không ổn định.
Do đó, sau khi thu hoạch, người trồng rau trong thôn lại hối hả ngược xuôi đi bán rau khắp các chợ trong và ngoài tỉnh. Những người không có điều kiện hoặc diện tích trồng rau ít thì bán buôn tại các các chợ trong huyện, trong tỉnh; những hộ có điều kiện đi sang các tỉnh lân cận như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội thì công bỏ ra cũng không ít.
Ông Phạm Văn Lệnh cho biết thêm: ông thường phải ra tận chợ đêm của Nam Định để bán rau. Để đảm bảo có lãi, ông thường thu mua thêm ở một số hộ gia đình khác cho đủ công đi vì chi phí cho một chuyến đi không hề nhỏ. Thậm chí nhiều khi, ông còn bị lỗ vì rau ế ẩm, khó bán. Hơn ai hết, ông Lệnh muốn có đầu ra cho rau và muốn rau rút trở thành thương hiệu của làng.
Cũng như ông Phạm Văn Lệnh, nhiều nông dân trong thôn mong muốn có một đầu ra ổn định cho cây rau rút. Họ tâm sự: Chúng tôi chỉ mong là có đầu ra cho cây rau này để vững tâm mà sản xuất và vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo. Mong rằng Nhà nước hỗ trợ cho nông dân vay vốn, hỗ trợ kĩ thuật để người trồng rau thôn Liên Trì 2 xây dựng mô hình sản xuất bài bản, phấn đấu được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn.
Đặc biệt là xây dựng được thương hiệu và đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Trước mắt, đề nghị được hỗ trợ xây dựng hệ thống kênh mương để tiện cho việc trồng rau của người dân vì hiện tại kênh mương dẫn nước vào ao, ruộng trồng rau không đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
Kênh mương dẫn nước vào ruộng trồng rau đã xuống cấp.
Phạm Văn Đình, Trưởng thôn Liên Trì 2 cho biết : Địa phương đã và đang tiếp tục hỗ trợ cho bà con nông dân trong việc mở rộng diện tích đào ao trong khuôn khổ quy định, bên cạnh đó cũng sẽ đảm bảo tưới tiêu nước cho bà con nông dân. Trong thời gian tới, địa phương sẽ quy hoạch tận dụng diện tích nhỏ lẻ, cấy lúa không hiệu quả sang trồng rau rút hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hồng Gấm