Phóng viên (P.V): Xin chào anh Trần Trung, cảm ơn anh đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Anh đã đến với nghề báo như thế nào?
Nhà báo Trần Trung: Tôi đến với báo chí rất tình cờ, thậm chí bất ngờ cả với bản thân và gia đình. Gia đình tôi không ai theo nghề này. Bản thân tôi, khi còn học PTTH, không có khiếu viết lách. Tuy không viết nhưng tôi đặc biệt thích đọc báo, nhất là báo tin tức. Thời đó, báo chí đối với một gia đình viên chức như nhà tôi còn là "của hiếm". Mỗi khi có được tờ báo này là tôi đọc say sưa. Sau khi đọc tôi luôn có ý thức xem mình đã thu hoạch được những thông tin bổ ích gì. Như một lương duyên, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đăng ký dự thi và đã đỗ vào khoa Báo chí, trường Đại học KHXH&NV. Sau khi ra trường (năm 2000), tôi về công tác tại Đài PT&TH Ninh Bình đến bây giờ.
P.V: Năm 2009, anh đã tham gia và đạt giải C-Giải Báo chí quốc gia. Đây là niềm tự hào chung của những người làm báo tỉnh nhà. Bởi sau khi tái lập tỉnh thì anh là người đầu tiên chạm tay vào giải thưởng của giải Báo chí quốc gia. Bản thân anh có bất ngờ về giải thưởng này không?
Nhà báo Trần Trung: Tôi đã nhận được sự động viên rất lớn từ Ban giám đốc và các đồng nghiệp nên mạnh dạn gửi tác phẩm dự thi và đây là lần đầu tiên tôi tham dự giải Báo chí quốc gia. Giải Báo chí quốc gia là một giải có chất lượng và uy tín bậc nhất trong làng báo Việt Nam. Đây thực sự là một sân chơi chuyên nghiệp cho nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ. Tôi tham gia giải này không ngoài mong muốn được học hỏi, cọ sát và để biết được khả năng của mình đến đâu chứ không dám nghĩ mình sẽ đạt giải. Nhưng thật bất ngờ, tôi đã may mắn dành được giải C cho tác phẩm của mình.
P.V: Anh nhắc tới yếu tố "may mắn", song trên thực tế, để được Ban tổ chức đánh giá cao như vậy, chắc hẳn anh đã đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết cho tác phẩm này?
Nhà báo Trần Trung: Phóng sự đạt giải của tôi có tiêu đề: "Thực trạng việc xây dựng trái phép tại khu vực đồi Đá lăn, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan". Phóng sự đã đề cấp đến vấn đề vi phạm nghiêm trọng của hàng chục hộ dân cố tình xây dựng công trình (nhà, bể nước kiên cố) vào vùng quy hoạch mỏ đất sét của Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Khi làm việc với chính quyền xã, họ tỏ ra lúng túng trong việc xử lý. Còn các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng bị động trong việc phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ vùng quy hoạch, khai thác tài nguyên được giao. Thế là tôi quyết định thực hiện phóng sự này với mục đích cảnh báo sự lơi lỏng trong quản lý địa bàn của chính quyền cấp xã và cách giải quyết thế nào cho đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý.
Tôi đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức để thực hiện phóng sự này. Tôi nghĩ để viết được một bài báo nói chung đã khó, viết bài báo về các hiện tượng tiêu cực trong xã hội lại khó hơn nhiều. Thực hiện đề tài này, đòi hỏi người viết phải tìm hiểu rất kỹ vấn đề, trang bị những kiến thức nhất định về vấn đề mình muốn tìm hiểu và đặc biệt, phải đặt vấn đề làm sao để những người có khuyết điểm nhận ra thiếu sót, tiếp thu ý kiến và có hướng giải quyết tích cực… Nói chung, viết phóng sự điều tra thì không thể viết ẩu, viết liều hoặc "chặt, chém" một cách vô trách nhiệm được.
P.V: Vốn được độc giả biết đến là một "tay" viết thể thao rất có duyên, thật bất ngờ khi tác phẩm đạt giải của anh lại là một phóng sự điều tra phòng, chống tiêu cực?
Nhà báo Trần Trung: Đối với tôi, lĩnh vực thể thao luôn có sức hút lớn. Ngay từ khi còn là sinh viên, tôi đã tham gia viết bài cho một số tờ báo thể thao. Tôi cũng đã tham gia nhiều chuyên mục thể thao của Đài PT&TH Ninh Bình và là bình luận viên chính của Đài khi tường thuật các giải thể thao diễn ra hàng năm trên địa bàn tỉnh như: Cúp bóng chuyền Hoa Lư mở rộng, Đại hội TDTT cấp tỉnh, giải bóng đá hạng Nhất quốc gia, bình luận World cup... Thực ra, khi tôi phát hiện ra vấn đề này cũng là khi đang đi làm một chương trình thể thao ở xã Quảng Lạc.
Tuy vậy, ngoài thể thao, tôi cũng viết về các lĩnh vực khác. "Thực trạng việc xây dựng trái phép tại khu vực đồi Đá lăn, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan" không phải là phóng sự đầu tiên tôi viết về đề tài phòng, chống tiêu cực, song đây là phóng sự mà tôi tâm đắc và đã để lại dấu ấn trong sự nghiệp của tôi.
P.V: Anh có gặp khó khăn khi thực hiện phóng sự này không? Và điều anh tâm đắc nhất sau khi làm phóng sự này là gì?
Nhà báo Trần Trung: Tuy là một bài phóng sự điều tra song tôi lại nhận được nhiều sự hỗ trợ của người dân, chính quyền và các ngành chức năng khi thực hiện tác phẩm này. Có lẽ, ai cũng có mong muốn khắc phục những hạn chế để hướng tới điều tốt đẹp hơn.
Và tất nhiên, khi mình viết được một bài phóng sự điều tra tốt thì bản thân mình cũng cảm thấy rất tự hào và thấy mình "được " rất nhiều, đó là cơ hội được tiếp xúc thực tế, được trải nghiệm… qua đó tự rèn luyện cho mình đức tính kiên trì, trau dồi được nhiều kinh nghiệm hơn cho những bài phóng sự về sau. Đặc biệt, điều khiến các nhà báo nói chung và bản thân tôi hạnh phúc nhất sau khi phóng sự lên hình đó là sự việc mà mình nêu đã được các bên liên quan giải quyết rất có trách nhiệm.
P.V: Là người được đào tạo bài bản, lại có hơn 10 năm trong nghề, anh có điều gì muốn chia sẻ với các nhà báo trẻ?
Nhà báo Trần Trung: Xã hội ngày một phát triển, trình độ nhận thức của công chúng cũng tăng lên. Vì vậy, người làm báo, nhất là những nhà báo trẻ phải có trình độ chuyên môn vững vàng, phát huy hết khả năng của mình để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Theo tôi, một nhà báo trẻ, ngoài vấn đề nhận thức chính trị thì cần phải biết đầu tư trí tuệ, công sức, khả năng và kỹ năng cho công việc của mình sao cho có hiệu quả cao nhất. Bên cạnh những kỹ năng được đào tạo thì nhà báo cũng cần có những kỹ năng "mềm" để ứng xử và hoạt động trong nhiều tình huống công việc, giao tiếp, tác nghiệp khác nhau để đạt hiệu quả cao.
Và trên tất cả, nhà báo cần có lòng yêu nghề, say nghề. Đối với tôi, lòng yêu nghề rất quan trọng và đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp của mỗi nhà báo. Yêu nghề sẽ là động lực thôi thúc các nhà báo luôn đi tìm cái mới mẻ, vượt qua mọi cám dỗ để nhìn nhận vấn đề một cách trung thực, khách quan, phân tích rõ đúng, sai, phải, trái và biết đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, vạch trần và lên án cái xấu, cái ác… Có như vậy, thông qua ngòi bút của mình, các nhà báo mới có những đóng góp vào việc hạn chế những tiêu cực trong xã hội, đồng thời, góp phần nhân rộng và làm cho những điều tốt đẹp "đơm hoa kết trái" trong cuộc sống.
P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này. Chúc anh sức khỏe và ngày càng gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp báo chí!
Đào Hằng (Thực hiện)