Nhìn sang các đồng nghiệp, ai cũng cố gắng để bổ sung vào túi đồ nghề của mình những thiết bị hiện đại nhất. Phóng viên ảnh thì phấn đấu đổi máy chụp phim sang máy ảnh số; phóng viên viết thì thêm chiếc điện thoại di động, rồi máy ghi âm... dần dần ai cũng có ít nhất một vài món đồ đáp ứng nhu cầu cơ bản cho chuyên môn của mình, vì tất cả đều hiểu rõ cái lợi của công nghệ mang lại cho công việc của mình.
Còn nhớ, khi tôi mới về công tác ở Báo (năm 2005), vẫn còn có phóng viên viết bài bằng bút trên giấy A4; phòng vi tính chế bản mỗi ngày đều phải đánh máy lại những bản thảo như thế. Rồi phóng viên ảnh chụp bằng máy cơ (chụp phim), in ảnh nộp cho tòa soạn, ảnh đó đăng được trên báo phải qua biết bao công đoạn... Nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, quy trình làm báo của Báo Ninh Bình đã thuận lợi hơn rất nhiều, đáp ứng việc ra báo ngày (đối với báo in) và hoạt động của báo điện tử 24/24h trên không gian mạng.
Với sự xuất hiện của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ phóng viên, nhà báo cần khẳng định giá trị, bản lĩnh nghề nghiệp của mình trước những thách thức mới. Sự bắt nhịp với công nghệ số, sự đa năng trong tác nghiệp, nhanh nhạy, kịp thời nhưng luôn phải chính xác, phải kiểm chứng thông tin là điều rất quan trọng trong tác nghiệp báo chí thời 4.0.
Những cơ hội tuyệt vời để sáng tạo đó đồng nghĩa với việc đặt đội ngũ những người làm báo trước thách thức không nhỏ trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ và phải luôn tự làm mới những tác phẩm của mình. Sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phẩm truyền thông mới vừa "làm khó" nhưng cũng vừa là động lực để nhà báo bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Báo chí bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng.
Mặt khác, khi còn trẻ, việc làm chủ công nghệ không phải là vấn đề lớn quá sức, vì có thể học hỏi, có thời gian để tích lũy. Nhưng đến khi "có tuổi", nhất là đối với nhà báo nữ, cùng với công việc là cả một "đoàn tàu" với nhiều toa kéo trách nhiệm, nỗi lo... sẽ là một thách thức đối với việc thích ứng chứ chưa kể là làm chủ công nghệ. Nhưng dù khó khăn thế nào, cũng phải cố gắng để cập nhật tri thức, kỹ năng, biến công nghệ thành phương tiện phục vụ nghề.
Thời gian gần đây, các cơ quan báo chí dành nhiều sự quan tâm cho việc chuyển đổi số trong hoạt động báo chí. Thiết nghĩ đây vừa là cơ hội để báo chí đổi mới, vừa là thách thức rất lớn đối với mỗi cơ quan báo chí nói chung, Báo Ninh Bình nói riêng. Từ nhìn ra lợi ích của chuyển đổi số đến lựa chọn hướng đi, cách làm phù hợp để đạt mục đích là cả một chặng đường dài, trong đó con người luôn là yếu tố quyết định trong 3 trụ cột đảm bảo thành công của chuyển đổi số là Con người-Công nghệ-Quy trình.
Bản chất công việc của nhà báo không thay đổi nhưng các quy trình khác của nhà báo đã thay đổi. Mỗi thời kỳ, mỗi đổi thay đều cần lắm những nỗ lực tự thân, những cuộc "chạy nước rút", nhất là trước làn sóng công nghệ số như bây giờ.
Chính vì thế, người làm báo cũng cần lắm sự nỗ lực tự đổi mới, không ngừng trau dồi thêm kiến thức, trình độ, kỹ năng, sự đa năng trong tác nghiệp. Báo chí bây giờ và trong tương lai vẫn sẽ từng ngày đối mặt với thách thức đổi mới. Nhưng dù có ở nền tảng công nghệ nào, dù kỹ thuật làm báo có phát triển đến đâu thì những giá trị cốt lõi của báo chí cũng không thể mất đi.
Củng cố, giữ vững những giá trị tốt đẹp của báo chí nói chung, Báo Ninh Bình nói riêng là trách nhiệm của tôi, của tất cả những người làm Báo Ninh Bình hôm nay và mai sau.
Nguyễn Thơm