Ngoài ra mỗi hộ còn đóng góp từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng, góp ngày công để làm đường… nhưng hộ nào cũng vui vẻ, phấn khởi vì có đường đẹp, sạch sẽ, khang trang để đi lại.
Cách đó không xa, người dân xóm 13 cũng đang tất bật đổ bê tông cho đường dong ngõ xóm với mặt đường rộng hơn 3 m, có hệ thống cống rãnh thoát nước đảm bảo môi trường thôn xóm. Bác Đinh Thị Đăng, một giáo dân xóm 13 cho biết: Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, xóm tôi tiến hành họp và thống nhất mức đóng góp làm đường cho từng gia đình. Xóm 13 có 28 hộ, tính ra mức đóng góp là 2 triệu đồng/hộ và góp thêm 20 công lao động nữa. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nhưng tôi vẫn cố gắng chi tiêu tiết kiệm để đóng góp làm đường. Khi đường dong xóm 13 hoàn thành cùng với nhà văn hóa thôn xóm được nhân dân đóng góp xây kiên cố sẽ tạo nên diện mạo mới cho thôn xóm của chúng tôi.
Đồng chí Trần Xuân Phơ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Lai Thành là một trong 2 xã đông dân nhất của huyện Kim Sơn; đường làng, ngõ xóm nhiều. Khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng, phong trào làm đường giao thông nông thôn được bà con lương - giáo ở các thôn, xóm trong xã hưởng ứng, đăng ký làm ngay. Hàng chục hộ dân ở các thôn, xóm tình nguyện hiến đất vườn, đất nhà, đất ruộng… với hơn 1 nghìn m đất, trị giá hàng trăm triệu đồng, đóng góp hàng nghìn công lao động để làm đường. Vì vậy, đã có hàng chục tuyến đường được làm mới và sửa chữa, trị giá hàng tỷ đồng. Với trên 800 tấn xi măng được Nhà nước hỗ trợ trong năm 2012, các thôn xóm đã đăng ký và làm xong trước tháng 12-2012, hiện nhiều thôn, xóm đã ứng trước xi măng của năm 2013 để triển khai làm những đường dong còn lại. Với khí thế và phong trào làm đường giao thông được triển khai mạnh như hiện nay, nếu tiếp tục được tỉnh hỗ trợ xi măng, xã Lai Thành phấn đấu hoàn thành tiêu chí đường giao thông trong năm 2014.
Cùng với đẩy mạnh làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong phát triển kinh tế, Lai Thành chú trọng đến ổn định diện tích cấy lúa và phát triển chăn nuôi. Gần 600 ha diện tích cấy lúa của hai HTX Nam Thành và Bắc Thành được gieo cấy giống lúa chất lượng cao, còn lại là lúa cao sản. Xã chỉ đạo các HTX, bà con xã viên đảm bảo đúng thời vụ gieo cấy, chủ động thâm canh tăng năng suất, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, kết hợp với củng cố hệ thống thủy lợi, kênh mương. Năm 2012, năng suất bình quân cả năm đạt 125,3 tạ/ha/năm, tổng sản lượng lương thực đạt trên 700 tấn, bình quân lương thực đạt gần 600 kg/người/năm. Đặc biệt, vùng trồng cói của Lai Thành vẫn giữ được diện tích hiện có (12,5 ha). Xã tiếp tục đề nghị huyện Kim Sơn có biện pháp hỗ trợ công tác dồn điền, đổi thửa để quy hoạch vùng trồng cói theo chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; có chính sách hỗ trợ đối với người trồng cói, đồng thời đầu tư quy hoạch và nâng cấp hệ thống thủy lợi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… Từ quy hoạch vùng trồng nguyên liệu cói, xã duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống. Với thuận lợi là lao động sẵn có, nguyên liệu tại chỗ, người dân các xóm 2, 4, 7, 9, 12… của Lai Thành đã duy trì nghề dệt chiếu, xe lõi, đan thảm. Năm 2012, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ước đạt 25 tỷ đồng. Qua rà soát số hộ nghèo cuối năm 2012, toàn xã còn trên 300 hộ nghèo, chiếm 9,3%, giảm 3,24% so với đầu năm 2012.
Từ nhiều nguồn lực, xã Lai Thành đang đẩy mạnh phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", phấn đấu đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã đề ra với mục tiêu đưa Lai Thành ngày càng phát triển giàu mạnh.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh