Những năm gần đây, xóm 2A trở thành điểm sáng của xã Lai Thành trong xây dựng nông thôn mới cũng như trong công tác dân số-KHHGĐ. Chị Trương Thị Vẽ, cộng tác viên dân số xóm 2A cho biết: Những năm trước, xóm 2A được coi là địa bàn khó trong thực hiện các chỉ tiêu về dân số-KHHGĐ của xã, bởi quan niệm "trời sinh voi, trời sinh cỏ", đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhân dân nên việc vận động người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện các biện pháp tránh thai.... rất khó khăn. Trước khó khăn đó, tôi luôn trăn trở làm thế nào để vận động nhân dân có nhận thức đúng đắn về công tác dân số-KHHGĐ để chị em phụ nữ được chăm sóc SKSS. Tôi đã học hỏi kinh nghiệm, cách tuyên truyền từ các cộng tác viên dân số trong xã, thường xuyên sát cánh với từng chị em phụ nữ trong xóm để nắm bắt tâm tư, tình cảm, tuyên truyền, vận động họ hiểu và thực hiện các chính sách dân số-KHHGĐ... Kết quả rõ nét nhất là xóm 2A từ địa bàn khó trở thành địa bàn tiêu biểu về công tác dân số-KHHGĐ của xã Lai Thành. 2 năm qua, xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên, các chỉ tiêu về dân số-KHHGĐ hàng năm đạt trên 100%.
Lai Thành là một xã thuần nông của huyện Kim Sơn, đa phần nhân dân làm nông nghiệp và nghề nấu rượu truyền thống, có địa bàn dân cư rộng, dân số đông (12.182 người), số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 49 tuổi là trên 2.000 người, đạo chiếm gần 30% dân số. Thuận lợi lớn nhất trong công các DS-KHHGĐ của xã Lai Thành là đội ngũ cộng tác viên đều được trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ năng tiếp cận, tư vấn, truyền thông và gắn bó nhiều năm với công tác dân số nên nắm vững địa bàn. Toàn xã có 17 cộng tác viên dân số, với sự năng nổ, nhiệt tình, họ đã góp phần tích cực vào công tác dân số ở địa phương.
Chị Nguyễn Thị Lượng, cộng tác viên dân số xóm 8 cho biết: Hàng tháng, chúng tôi thường phối hợp với các hội, đoàn thể lồng ghép trong các buổi họp xóm, sinh hoạt hội tuyên truyền đến chị em các nội dung Pháp lệnh Dân số, lợi ích thực hiện các biện pháp KHHGĐ, việc sinh ít con để nuôi con tốt, dạy con ngoan. Qua tuyên truyền, chị em đã nhận thức lợi ích thiết thực trong công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ, biết lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp...
Để công tác DS-KHHGĐ thực sự đi vào cuộc sống, việc đổi mới công tác truyền thông tới các đối tượng thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là một trong những giải pháp trọng tâm. Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp trên địa bàn xã với hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp hộ gia đình, sinh hoạt CLB, tuyên truyền lưu động, trực quan bằng băng zôn, khẩu hiệu.
Trong đó đặc biệt chú trọng các loại hình tư vấn, vận động trực tiếp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những cặp vợ chồng sinh con một bề, các đối tượng nam giới, thanh niên và vị thành niên, đưa nam giới vào cuộc cùng với chị em thực hiện các biện pháp KHHGĐ... Do đó, đã góp phần, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện quy mô gia đình ít con của nhân dân trong xã, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hàng năm, Ban dân số xã đã mời đơn vị tuyến trên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cung cấp những thông tin về DS-KHHGĐ, về các mô hình, đề án như sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân với nội dung và hình thức phù hợp cho cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở cơ sở. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt các đợt chiến dịch truyền thông, đầu tư cả nhân lực, vật lực cho công tác tuyên truyền.
Công tác truyền thông, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở xã Lai Thành thời gian qua đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về công tác dân số-KHHGĐ, cuộc sống của nhân dân trên địa bàn xã được nâng cao.
Đến nay, 100% các xóm đều xây dựng hương ước, quy ước về việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; 68% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; xã hiện có 5/17 xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh giảm còn 107 bé trai/100 bé gái; hàng năm các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ xã đạt từ 95% kế hoạch trở lên.
Bài, ảnh: Hồng Vân