Là lính lái xe, với hơn 10 năm trong quân ngũ, nhưng đối với CCB Đinh Thành Nhuận, phố Trung Tự, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình), ông không nhớ mình đã vận chuyển được bao nhiêu tấn đạn dược, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… phục vụ bộ đội chiến đấu. Được đào tạo làm sỹ quan hậu cần ở Quân khu Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1964-1966, nhưng "duyên" lại đến với ông khi về nước được cử về Đoàn 559, là Đội trưởng đội xe 1610, Tiểu đoàn 102 (được mệnh danh là "Tuấn mã Trường Sơn"), Binh trạm 32, Binh đoàn Trường Sơn, phụ trách 45 xe vận tải. Là đội trưởng, đồng nghĩa với việc phải gương mẫu lái xe an toàn, hiệu quả, do đó, CCB Đinh Thành Nhuận luôn nỗ lực trong từng cung đường, dẫn đầu các đoàn xe, đi an toàn, giao hàng đúng hẹn… Tuyến đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) Đông và Tây Trường Sơn dài gần 20 nghìn km, toàn tuyến có 40 trọng điểm mà các đoàn xe phải vượt qua, trong đó có 2 trọng điểm ác liệt nhất mà lính lái xe Trường Sơn gọi là hai "cửa tử", là cửa tử ATP (cua chữ A) ở cuối đường 20 và trọng điểm Seng phan (cách biên giới Lào-Việt 15km); ngoài ra còn trọng điểm Cổng trời, đèo Mụ Dạ, ngầm Na Tông, ngã ba xóm Póng... Trên tuyến đường Trường Sơn, Đế quốc Mỹ đã ném xuống trên 4 triệu tấn bom đạn (bình quân mỗi m2 đường phải hứng chịu 4 quả bom). đoàn xe vận tải do ông Nhuận làm Đội trưởng đã đi khắp các cung đường, góp phần vào thành tích vận chuyển được 5 triệu tấn hàng hóa gồm súng đạn, lương thực, thực phẩm vào chiến trường miền Nam của Binh đoàn Trường Sơn, góp phần không nhỏ cho những trận chiến thắng lợi, đi đến chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975.
Kỷ niệm thời chiến thì có nhiều, những chuyện đói, rét, bệnh tật, thiếu ngủ; chuyện chạy xe lúc trời tối bằng đèn gầm, ngày nghỉ, đêm đi mà đường thì quanh co, đèo cao, vực sâu, có thể lật xe, đổ xe, lao xuống vực và "ra đi" bất cứ lúc nào… Hy sinh trong chiến tranh là điều không tránh khỏi, nhưng việc tận mắt chứng kiến người đồng đội của mình ra đi khi tuổi đời còn trẻ như tiếp thêm lòng căm thù giặc và sức mạnh để ông và đoàn xe vận tải quyết tâm "thần tốc, thần tốc, xốc tới, quyết tâm giải phóng miền Nam"… | "...ông cùng đồng đội tiến hành nhiều trận đánh lớn từ chiến trường Tây Nguyên sang Lào, xuống Mỹ Tho, Long An, Gò Công… Với đội hình quân chủ lực tinh nhuệ, đoàn quân của ông đã lập nên những chiến công xuất sắc. " |
Đóng góp vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam bằng những chuyến vận tải hàng hóa, vũ khí an toàn, chất lượng, CCB Đinh Thành Nhuận được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại, như Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huân chương Chiến sỹ giải phóng; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang; Bằng ghi công chống Mỹ cứu nước; Kỷ niệm chương Chiến sỹ Trường Sơn, Huy hiệu 30, 40 năm tuổi Đảng… Sau khi rời quân ngũ, kinh qua nhiều công việc khác nhau, từ lái xe cho đơn vị, xí nghiệp cho đến khi chuyển về công tác tại Huyện ủy Nho Quan, rồi Tỉnh ủy Ninh Bình, CCB Đinh Thành Nhuận luôn phát huy được bản chất "Bộ đội cụ Hồ", sống gương mẫu, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; là người con, người chồng, người cha hiếu thuận, trách nhiệm. Kể cả khi đã về nghỉ chế độ, CCB Đinh Thành Nhuận vẫn nhiệt tình tham gia nhiều công việc tại phố, hiện là Chi hội trưởng Chi hội CCB phố Trung Tự, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình). Với CCB Nguyễn Văn Ngôn, thôn Phú Cường, xã Khánh Phú (Yên Khánh) ký ức về chiến thắng mùa xuân 1975 thật oai hùng. Ông là người trực tiếp tham gia trận đánh vào Tổng Nha cảnh sát. CCB Nguyễn Văn Ngôn kể lại: Tái ngũ vào những ngày tháng "nước sôi lửa bỏng", từ năm 1968-1972, là sỹ quan chỉ huy tại Trung đoàn 24, trực thuộc Bộ Quốc Phòng, ông cùng đồng đội tiến hành nhiều trận đánh lớn từ chiến trường Tây Nguyên sang Lào, xuống Mỹ Tho, Long An, Gò Công… Với đội hình quân chủ lực tinh nhuệ, đoàn quân của ông đã lập nên những chiến công xuất sắc.
Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trước đó quân ta đã tổ chức nhiều chiến dịch tại nhiều tỉnh, thành giáp thành phố Hồ Chí Minh làm bàn đạp tiến về giải phóng Sài Gòn; trong đó ông có tham gia một số chiến dịch lớn, đặc biệt, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh được tập trung từ ngày 26-4 đến 30-4-1975, quân ta đã tổ chức thành nhiều mũi tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Sáng 30-4, Trung đoàn 24 của ông phối hợp với Sư đoàn 8 (từ phía Tây Nam lên) đánh vào Tổng Nha cảnh sát. Lúc này quân địch đã tháo chạy hết, Tổng Nha cảnh sát vắng tanh, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta nhanh chóng hoàn thành các thủ tục chiếm đóng. Lúc 11h, ông cùng đơn vị nghe tin tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc. Niềm vui ngày đất nước giải phóng lan tỏa, không chỉ bộ đội ta hân hoan mà đồng bào ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Người dân chạy ra đường mừng chiến thắng. Trên gương mặt mọi người, ai cũng nở nụ cười hạnh phúc, ôm chầm lấy nhau cùng chung niềm vui giải phóng.
Những ngày sau giải phóng, CCB Nguyễn Văn Ngôn được cử về làm giáo viên trường cải tạo lính ngụy tại tỉnh Gò Công gồm 5 lớp với hơn 1 nghìn lính ngụy. Sau đó ông được chuyển ra Bắc, về công tác tại Tỉnh đội Hà Nam Ninh rồi chuyển về Huyện đội Kim Sơn, Yên Khánh công tác.
Với những đóng góp của mình trong các trận chiến, CCB Nguyễn Văn Ngôn đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 3 Huân chương Chiến sỹ giải phóng, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang và nhiều bằng khen, giấy khen trong các chiến dịch.
Hạnh chi