Trong ngôi nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Anh Phương, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) dù không có nhiều phương tiện, vật dụng sinh hoạt đắt tiền, hiện đại; song đáng giá và trân trọng hơn cả là rất nhiều huân, huy chương, huy hiệu kháng chiến; những Bằng khen, Bằng Tổ quốc ghi công, Danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng và đáng quý nữa là những tấm ảnh đen trắng, truyền thần có thời gian hàng trăm năm được lồng khung kính, treo ở chỗ trang trọng nhất trong ngôi nhà.
Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Anh Phương sinh năm 1926, năm nay bước vào tuổi 93, không còn khỏe, trí nhớ cũng đã lẫn nhiều, nhưng khi câu chuyện của chúng tôi chạm tới ký ức thiêng liêng của mẹ, mọi thứ trong mẹ như được dâng trào.
Có bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ đều là những chí sĩ cách mạng, người dân yêu nước, lại đóng góp cho cách mạng 2 người con trai là liệt sĩ chống Mỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Anh Phương cho rằng, cái giá phải trả cho nền độc lập tự do của Tổ quốc hôm nay là rất lớn và Mẹ tự hào về điều đó. Hiện nay, cuộc đời đã đi gần một thế kỷ, Mẹ cảm nhận được sự đổi thay do độc lập, tự do mang lại.
Cuộc sống người dân nói chung đều đã đầy đủ, no ấm; trong đó các gia đình chính sách, người có công được Đảng, Nhà nước, từ tỉnh đến thành phố và phường Nam Thành quan tâm, phụng dưỡng chu đáo, đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, đã phần nào chia sẻ, an ủi, động viên Mẹ sống nốt những ngày tháng cuối đời thật sự vui, khỏe, có ích.
Còn với lão thành cách mạng Phạm Thị Luyện, phố Lê Lợi, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) thì ngày Tết Độc lập 2/9 đối với bà dường như là một kỷ niệm, dấu ấn quan trọng và không thể nào quên. Sinh năm 1925, năm nay đã vào tuổi 94, sức khỏe yếu đi nhiều. Nhưng khi hỏi về ngày Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc cách đây 73 năm tại Ninh Bình, bà như minh mẫn hơn, lần bước định hình lại và chậm rãi chia sẻ về những ngày vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, để có được độc lập, tự do như hôm nay.
Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Anh Phương cùng con trai xem lại những danh hiệu cao quý của gia đình.
Sinh ra trong một gia đình cách mạng, có bố là 1 trong 7 đảng viên đầu tiên của tỉnh Ninh Bình nên bà Luyện sớm có ý thức giác ngộ và tham gia cách mạng. Bà tham gia phụ nữ cứu quốc khi tuổi trẻ rất trẻ. Trải qua nhiều giai đoạn hoạt động cách mạng, nhiều cương vị khác nhau và từng chứng kiến nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử, nhưng đối với bà Luyện, hồi ức đẹp về những ngày đầu tham gia cách mạng, được hòa vào dòng người khởi nghĩa giành chính quyền, tham gia mít tinh mừng ngày Quốc khánh đầu tiên là những dấu ấn không thể mờ phai.
"Phải chứng kiến, có trải qua những năm tháng lầm than, thống khổ, chịu ách thống trị của giặc Pháp, của phát xít Nhật, thấu hiểu nỗi đau đớn phải làm nô lệ, đói ăn, thiếu mặc… mới hiểu được ý nghĩa lớn lao của Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, chủ vận mệnh dân tộc" - bà Luyện cho biết.
Nói về những ngày khởi nghĩa giành chính quyền, giải phóng thị xã và đón mừng sự kiện đất nước được độc lập, tự do vào ngày 2/9, lão thành cách mạng Phạm Thị Luyện cho biết: Trước đó, tin Hà Nội giành được chính quyền vào ngày 19/8 đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn cho quân và dân tỉnh Ninh Bình. Tất cả các địa phương trong tỉnh, từ người già, phụ nữ cho đến trẻ nhỏ đều sục sôi tinh thần cách mạng, vùng lên mạnh mẽ, ra đường biểu tình để giành chính quyền.
Khắp các vùng quê từ Nho Quan, Gia Viễn cho đến Gia Khánh, thị xã Ninh Bình, khí thế cách mạng đâu đâu cũng bừng bừng, lan tỏa. Tại thị xã Ninh Bình, sáng 20/8/1945, từ mờ sáng trên đường phố đã dán áp phích thông báo lệnh khởi nghĩa. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh núi Thúy, chợ Rồng, khu Trực Độ, Đình Đụn, Phúc Am và nhiều nơi khác trong thị xã. 14h chiều ngày 20/8/1945, Việt Minh thị xã lên cầu Huyện đón quân cách mạng về giải phóng tỉnh lỵ. Đoàn quân cách mạng đông hàng vạn người tiến theo Quốc lộ 1 về thị xã, giải phóng huyện lỵ Gia Khánh, sau đó giải phóng tỉnh lỵ, rồi lần lượt tiến qua các đường phố về dinh Tỉnh trưởng, rồi Trại Bảo An binh giành chính quyền.
Tiếp quản xong Trại Bảo An binh, đoàn quân cách mạng rầm rập tiến về sân vận động thị xã để mít tinh biểu dương lực lượng mừng chiến thắng. Đi trong đoàn quân ấy bà Luyện cho biết, người đông như đi hội, thị xã tràn ngập cờ hoa, người dân tràn ngập niềm vui phấn khởi, bởi ước mơ về một cuộc sống độc lập, tự do đã trở thành hiện thực. Buổi mít tinh mừng chiến thắng tại sân vận động chiều ngày 20/8/1945 có tới hàng vạn người tham dự, tâm trạng ai cũng rưng rưng xúc động và tự hào.
Tại buổi mít tinh, đại diện Việt Minh tỉnh tuyên bố cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Ninh Bình đã thành công, chính quyền của tỉnh và thị xã đã về tay nhân dân. Câu chuyện về những ngày khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945 đã đi vào sử sách, trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu trang hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, được các thế hệ đời sau mãi tự hào, ghi nhớ.
Hạnh Chi - Minh Quang