Ở tuổi 93, ông dường như thách thức thời gian bởi sự minh mẫn và một trí nhớ tuyệt vời mà bất cứ ai cũng phải nể phục. Ông nhớ rành rẽ từng thời khắc lịch sử cách đây gần 70 năm và chính vì vậy câu chuyện chúng tôi được nghe càng trở nên sống động, gần gũi hơn. Những năm tháng xưa ùa về, chúng tôi thấy được khí thế tinh thần của lớp lớp cha ông vẫn còn vẹn nguyên.
Mở đầu câu chuyện, ông Hiển hồi tưởng lại: Tham gia đội thanh niên cứu quốc từ năm 1944, khi ấy tôi mới ngoài đôi mươi, còn chưa biết nhiều về cách mạng nhưng khi nghe cán bộ nói cần phải đoàn kết đấu tranh chống lại thực dân phong kiến thì mới có thể thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, tôi và hàng chục thanh niên trong xã đã hăng hái nghe và làm theo. Mới đầu tôi được giao các công việc như rải truyền đơn, canh gác cho cán bộ họp… Để đảm bảo bí mật, những công việc này thường được thực hiện vào ban đêm nhưng anh em đều không quản ngại khó khăn, nguy hiểm. Sau này tôi mới hiểu đây là một trong những bước quan trọng trong tuyên truyền thôi thúc nhân dân lao động địa phương hồ hởi, tích cực tham gia các hoạt động kháng Nhật cứu nước, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Đến tháng 8-1945, không khí khởi nghĩa đã tràn ngập khắp mọi nơi, trong khi đó bọn địch vẫn ngấm ngầm quấy rối. Ngay ở trong xã, chúng đã lôi kéo một số thanh niên vào các tổ chức thân Nhật nhưng đã bị Việt Minh đè bẹp ngay trong trứng nước. Cùng thời điểm đó, tin 6 tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc được giải phóng vang dội khắp nơi, thắng lợi của giải phóng quân từ chiến khu Quỳnh Lưu và nhân dân Nho Quan đánh bại quân Nhật, phá kho thóc cứu đói cho dân dồn dập đưa về làm tăng thêm niềm tin và sự phấn khởi của nhân dân Ninh Giang.
Đúng 7 h sáng ngày 18-8-1945, nhân dân trong xã đã trương cờ đỏ sao vàng, căng biểu ngữ, hô các khẩu hiệu "Việt Nam độc lập", "ủng hộ Việt Minh", "đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim" rồi bồng súng, vác giáo mác, mã tấu bắt đầu cuộc tuần hành. Tôi nhớ lúc ấy nước tháng 8 còn ngập đường làng, các thuyền nan đã được chuẩn bị lần lượt đưa đoàn tuần hành sang xóm Giữa tiếp tục hành trình của mình. Qua xóm Đông, xóm Tây, đoàn tuần hành đã có tới vài trăm người với khí thế hăng hái, sôi nổi, gạt phăng các hoạt động chống đối, dọa dẫm.
Tới đình làng Trung Trữ cũng là lúc phiên chợ vừa đông người. Người ngoài chợ cũng ngừng mua bán đến dự mít tinh. Việt Minh huyện đọc hiệu triệu khởi nghĩa, chỉ đạo địa phương tổ chức lực lượng vũ trang, kêu gọi hội đồng hương lý, chánh phó, lý trưởng nộp đồng triện, bài chỉ giấy tờ. Việt Minh đã tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của địch ở Trung Trữ và thành lập chính quyền cách mạng.
Phát huy thắng lợi, chi bộ đảng và ủy ban cách mạng lâm thời cùng đoàn cán bộ võ trang tuyên truyền đã nhanh chóng kết hợp với các thôn Bãi Trữ, La Vân, La Mai và Đa Giá tổ chức đánh đổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở địa phương và tham gia giành chính quyền cấp huyện, tỉnh. Đến ngày 21-8-1945 các thôn còn lại trong xã đều thiết lập chính quyền cách mạng. Vậy là chỉ trong 4 ngày, (từ 18 đến 21 tháng 8 năm 1945) toàn bộ chính quyền cơ sở của địch ở các làng thuộc Ninh Giang đã bị lật đổ, chính quyền dân chủ nhân dân đã được thiết lập để gánh vác công việc xã hội.
Kể về niềm vui ngày giành được chính quyền, vị lão thành cách mạng không quên nhắc nhớ tới bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ở thời điểm đó ai cũng thuộc nằm lòng. Đó là việc kêu gọi xóa bỏ mọi ranh giới giai cấp, đồng bào vì lòng yêu nước, yêu tự do hãy vùng lên. Ông nói: đã gần 70 năm trôi qua nhưng bài học này vẫn còn nguyên giá trị, việc đoàn kết sức mạnh của nhân dân sẽ quyết định sự thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Trong thời điểm hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức thi đua xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh lời dạy của Bác càng cần được phát huy hơn nữa.
Ông Hiển cũng tỏ ra phấn khởi trước những đổi thay đáng kể của quê hương Ninh Giang nói riêng và của đất nước nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng trong những năm qua. ở Ninh Giang hiện nay đã có sự đổi thay rõ rệt, tạo nên những chuyển biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Diện mạo nông thôn mới đang dần hiện hữu, các thôn xóm đã có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Các trường học được xây dựng mới và hoàn thiện các tiêu chí chuẩn quốc gia. Trạm y tế, đường giao thông được xây dựng khang trang, sạch đẹp…
Đào Duy