"Đừng nhắc tên tôi"
"Trên cơ thể tôi hiện vẫn còn ba mảnh đạn, ghi dấu ba trận đánh khốc liệt. Một mảnh đạn trong đầu, một mảnh trong phổi và một mảnh đạn đã làm hỏng con mắt trái. Những mảnh đạn còn sờ thấy được là một phần của cuộc đời tôi. Nó nhắc tôi nhớ về những người đồng đội năm xưa. Họ không trở về mà đã hóa thành những bông hoa bất tử mãi mãi ở tuổi đôi mươi"- thương binh Nguyễn Văn Đại ở xã Đồng Phong, Nho Quan bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Một buổi sáng mùa thu năm 1968, thanh niên trẻ Nguyễn Văn Đại gác bút nghiên, hăng hái lên đường nhập ngũ. Để được nhập ngũ, Đại lén dắt thêm hơn 1kg khoai xung quanh người để đạt được trọng lượng cơ thể 40kg. Một thanh niên 40kg, khoác trên vai ba lô nặng chừng vài chục kg phăm phăm bước vào cuộc chiến đang hồi khốc liệt. "Bạn bè tôi, nhiều người học rất giỏi, có thể nói họ là thanh niên ưu tú của thế hệ bấy giờ cũng buông bút để cầm súng. Tổ quốc lâm nguy và chúng tôi đã chọn cầm súng không một chút so đo. Phía trước chúng tôi là gian khổ, hy sinh. Điều ấy, chúng tôi đã xác định trước, nhưng những bước hành quân vẫn rất mạnh mẽ, bởi đó là lý tưởng của cả thế hệ chúng tôi "- ông Đại tiếp tục câu chuyện.
Cứ thế, chưa kịp ăn mừng chiến thắng trận này, ông Đại lại theo lệnh hành quân để chuẩn bị cho chiến dịch khác. Trúng đạn, điều trị rồi lại trở vào chiến trường "chia lửa" với đồng đội, thấm thoắt ông Đại đã có hơn 7 năm thanh xuân gắn với những khu rừng chết chóc. Đến năm 1974, ông Đại bị thương vào mắt trong một trận đánh ở Long An. Ông nhớ mãi khoảnh khắc một bên mắt đẫm máu còn một bên nhạt nhòa nước mắt khi trao lại cho đồng đội hai miếng lương khô- chiến lợi phẩm từ vài ngày trước, trước khi ông được chuyển ra tuyến sau điều trị vết thương.
Trong ký ức của thương binh Đặng Quốc Hiển (quê ở Hà Tĩnh) hiện đang được điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan, 81 ngày đêm cùng đồng đội chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị là những ngày tháng không thể nào quên. Trong 81 ngày đêm ác liệt ấy, ông Hiển chứng kiến sự hy sinh anh dũng của biết bao đồng đội, trong đó có 3 thủ trưởng của đơn vị mình: 1 trung đoàn trưởng và 2 trung đoàn phó. Ông Đặng Quốc Hiển chỉ cho tôi xem các vết sẹo chằng chịt trên cơ thể. Hành trang trở về của người lính năm xưa là hai mảnh đạn trong đầu, một mảnh ở lưng sau 3 năm chiến đấu ở chiến trường Huế- Quảng Trị. Nhưng ông Hiển bảo: Đừng kể tên tôi, đừng nhắc tới những vết thương này. Với tôi, những vết thương tưởng "chết đi sống lại" này là ký ức của những tháng năm thanh xuân giàu lý tưởng. Còn sự khốc liệt của chiến tranh nằm ở sự chia lìa của bao lứa đôi, là những người mẹ không còn giọt nước mắt để khóc con và còn nằm chính ở phía dưới các kỷ niệm chương đeo bên ngực trái này, ở trong lồng ngực này, đồng đội tôi ở đó…
Cuộc gặp gỡ đặc biệt bên dòng sông Thạch Hãn
Kể từ khi chiến tranh kết thúc, lần đầu tiên thương binh Đặng Quốc Hiển mới được trở lại thăm mảnh đất Quảng Trị đầy nắng gió, trở lại thăm nơi mà ông cùng đồng đội chiến đấu 81 ngày đêm để bảo vệ Thành Cổ.
Tháng Bảy, con đường đến với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và Khu di tích Thành cổ Quảng Trị ken dày dòng người đi - về trong lặng lẽ, xúc động. Hòa vào dòng người đến viếng nghĩa trang, thương binh Đặng Quốc Hiển nghẹn ngào bao cảm xúc. Gần 300 ngôi mộ liệt sỹ nguyên quán Ninh Bình thẳng tắp, nằm im lặng giữa nghĩa trang mênh mông, giữa vi vu đại ngàn. "Vẫn cái nắng, cái gió này, nhưng Quảng Trị giờ đã khác xưa nhiều lắm. "Chảo lửa" bom đạn năm xưa nay đã phủ một màu xanh tươi tốt. Những hố bom cũng đã bật mầm sự sống. "Nhà" của đồng đội tôi đó, một ngôi nhà khổng lồ ngày càng được xây sửa khang trang mang đậm nét văn hóa của Ninh Bình"- thương binh Đặng Quốc Hiển xúc động "Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng phần lớn cuộc đời lại gắn bó với mảnh đất Ninh Bình đầy tình người này". Trong bảng lảng khói hương, nhạt nhòa nước mắt, ký ức của người thương binh già lại văng vẳng tiếng bom rơi, đạn nổ, tiếng đồng đội hô xung phong, tiếng khóc thút thít vì nhớ mẹ của một cậu tân binh nào đó…tất cả như hiện hữu ngay trước mắt ông. Ông may mắn được trở về, còn nhiều đồng đội của ông đã nằm lại nơi đây.
Ngoài 30 tuổi, chị Nguyễn Mai Phương, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã có 5 năm làm công việc của một quản trang, chăm sóc mộ liệt sỹ của 5 tỉnh, trong đó có Ninh Bình. Với mức lương 3-4 triệu đồng mỗi tháng, chị Phương không thể lo toan được cho gia đình nếu như coi quản trang là một nghề. Vậy nhưng chị vẫn gắn bó với công việc bởi với chị, đây là một việc làm ý nghĩa nhất mà không phải ai cũng có cơ duyên có được. Vừa được tận tay chăm sóc "nhà" cho các liệt sỹ và hơn tất cả, công việc này đã mang lại cho chị Phương nhiều cơ hội để gặp gỡ, được lắng nghe nhiều câu chuyện xúc động của những người trở về từ cuộc chiến. Những cô gái, chàng trai ngày ấy cầm súng theo đoàn quân giải phóng quê hương, nay đã là những ông lão, bà lão. Họ đã tìm về nơi đây, tưởng nhớ đồng đội trong từng vạt cỏ xanh non và cả trong màu cát trắng miên man của khúc ruột miền Trung này… Chị Phương kể, nhiều năm trước, có một bà mẹ đã ngoài 90 tuổi ở tận Ninh Bình vẫn còn "đòi" con, cháu đưa tới đây để "thăm nhà các con". Con cụ là liệt sỹ. Phải vất vả lắm gia đình cụ mới tìm thấy mộ của anh đang yên nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn này. Song, cụ quyết định để con nằm lại với đồng đội, với mảnh đất một thời "đỏ lửa" này. Chị Phương không thấy cụ trở lại lần nào nữa. Có thể sức khỏe cụ đã kém, không thể đi xa hoặc cũng có thể cụ đã không còn nữa… bởi vậy, chị luôn tự nhủ phải làm thật tốt công việc của mình, vừa an lòng các Anh hùng liệt sỹ, vừa ấm lòng những người thân của các anh ở mọi miền Tổ quốc.
Còn một nơi nữa mà thương binh Đặng Quốc Hiển, Nguyễn Văn Đại và các bác thương binh ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan muốn tìm đến trong hành trình về các địa chỉ đỏ, đó là được thả những nhành hoa trắng xuống dòng sông Thạch Hãn. Sông Thạch Hãn là một nghĩa trang đặc biệt, nơi không có một nấm mồ, các Anh hùng liệt sỹ đã nằm lại tận đáy sông nước chảy mênh mông. Dòng sông Thạch Hãn huyền thoại đã hóa thành sông hoa... Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan cho biết: Được trở lại thăm chiến trường, tận tay thắp hương lên mộ phần, thả nhành hoa trắng xuống dòng Thạch Hãn… là mong mỏi từ lâu của các thương, bệnh binh đang thực hiện điều dưỡng tại Trung tâm. Vì vậy, năm nay, chúng tôi quyết định đưa các bác trở lại thăm chiến trường, thăm đồng đội. Để thực hiện được chuyến về nguồn ý nghĩa này, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch chi tiết về lịch trình đi lại, ăn ở, nghỉ ngơi, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để đảm bảo các bác có đủ sức khỏe tham gia hành trình. Trong chuyến đi, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị y tế và đội ngũ y, bác sỹ để chăm sóc sức khỏe cho các bác trong hành trình dài... Được thăm lại chiến trường, gặp lại đồng đội theo một cách đặc biệt, các thương, bệnh binh rất xúc động. Những người lính can trường đã bước qua lửa đạn năm nào nay bật khóc xúc động như được gặp lại người thân sau một thời gian dài xa cách.
Đào Hằng