Những ngày này, cô Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Bình (huyện Nho Quan) cũng đang tất bật cùng đồng nghiệp chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho buổi lễ khai giảng sẽ diễn ra trong ít ngày nữa. Mặc dù điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn, song cơ ngơi trường lớp đã được cải thiện dần, đáp ứng nhu cầu dạy và học của cô và trò nhà trường. Không khí chộn rộn ấy, khiến cô giáo Hạnh Nguyên nhớ lắm những mùa tựu trường năm xưa- ngày mà mẹ cô dẫn cô bé Nguyên còm nhom vượt qua chặng đường rừng để tới lớp với bao sự rụt rè, lạ lẫm nhưng lại háo hức, nao nao đến lạ.
Cô Nguyên kể, cha mẹ cô quê gốc ở huyện Gia Viễn, lấy Thạch Bình làm quê hương thứ hai để khai hoang, lập nghiệp. Hàng năm, cứ chuẩn bị cho năm học mới thì các phụ huynh lại đóng góp rơm, rạ, những cây bương luồng để cùng nhà trường dựng lại lớp học. "Đó, là những dãy lớp học được lợp bằng lá cọ, được xây bằng đất vách. Đơn sơ vậy, nhưng đó là "công trình" đầy tâm huyết của thầy cô và các phụ huynh. Mỗi năm, dãy lớp đều phải làm lại một lần vào dịp đầu năm học mới, bởi lẽ do làm bằng đất nên những dãy nhà cũ bị mưa gió trong năm bào mòn làm hỏng. Ngày đi dựng lại trường lớp, không chỉ có riêng thầy cô và phụ huynh mà bọn trẻ con chúng tôi cũng tíu tít vui đùa, đứa lớn thì săng sái làm chân … sai vặt. Dãy lớp được hoàn thiện hôm nào thì khai giảng luôn ngày đó, thường thì cũng đúng vào dịp Quốc khánh 2/9. Những lễ khai giảng không có loa đài, không có những bộ quần áo mới, chỉ có những tiếng trống giòn giã như thúc giục, động viên. Đó là quãng thời gian vui vẻ, không thể nào quên được đối với thế hệ chúng tôi"- cô Hạnh Nguyên tâm sự.
Lớp học xây bằng đất, lợp bằng lá ấy đã dệt ước mơ cho biết bao thế hệ học trò nghèo Thạch Bình. Trở thành cô giáo, được góp phần lan tỏa sự học cho quê hương, ước mơ thuở thiếu thời ấy của cô Nguyễn Thị Hạnh Nguyên đã thành hiện thực được gần 30 năm. Bây giờ, bà con địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến sự học của con em mình, vì vậy, các cô không còn phải lặn lội xách đèn đến từng nhà để vận động như nhiều năm trước đây. Trường Tiểu học Thạch Bình cũng khác xưa nhiều lắm. Cơ ngơi trường lớp đã khang trang, chất lượng cuộc sống của bà con trong vùng cũng được nâng lên nhiều. Trẻ em tựu trường được xúng xính trong những bộ quần áo đồng phục mới tinh, có cờ, có hoa, có loa đài rộn rã, có những tiết mục văn nghệ được tập luyện công phu... Nhưng nhiệm vụ của cô Nguyên cũng vẫn giống như các thế hệ thầy, cô giáo tiền bối, đó là lại bắt đầu một mùa dệt ước mơ cho các thế hệ học trò.
Cô Đào Thị Thúy Hoa, giáo viên trường THCS Gia Phương (huyện Gia Viễn) đã rời xa cái thời cắp sách tới trường hàng chục năm nay. Giờ đây, cô đã trọn ước mơ trở thành một cô giáo trường nhà- ngôi trường đã gắn với tuổi thơ của cô. Cô Hoa bảo rằng, ngày còn nhỏ, sau kỳ nghỉ hè đầy thú vị, đen nhẻm vì những buổi chiều rong ruổi bắt cào cào về rang, về nướng, đứa lớn thì bắt cua để bán, gom góp thêm tiền sách vở phụ giúp bố mẹ… lũ trẻ trong xóm lại bắt tay vào chuẩn bị cho năm học mới. Những quyển sách giáo khoa được truyền từ đứa lớn sang đứa nhỏ, chỉ thay bởi cái bìa giấy báo bọc ở bên ngoài. Có giấy báo là sang lắm rồi, chứ thường thì chỉ bọc sách bằng… bìa giấy xi măng. Nhãn vở thì tự kẻ, tự vẽ, tự trang trí. Công đoạn tiếp theo là cả lũ chạy ra cây sung đầu làng lấy nhựa về dán nhãn vở, cũng có khi chỉ dán nhãn bằng vài hạt cơm nguội… chuẩn bị xong sách, vở, là đến công đoạn đi khắp xóm, xem nhà ai có bông hoa đẹp thì xin ngắt vài bông để mang đến trang trí ở lễ khai giảng. Đơn giản thế thôi mà với bao thế hệ, đó là cả một khoảng trời với bao điều kì diệu, là cả một thế giới mênh mông đầy màu sắc.
Bây giờ, thì cô giáo Hoa cũng đã là một phụ huynh. Cô dẫn con tới trường vào lễ khai giảng hàng năm. Vẫn trường xưa, lớp cũ, vẫn những hàng cây xà cừ già nua rì rào trong gió, mấy cây hoa từ bi nhẹ nhàng khoe sắc thắm… nhưng trẻ em ngày nay được đón khai giảng trong điều kiện vật chất đủ đầy, tươm tất. "Tôi may mắn hơn nhiều bạn bè khi hàng ngày vẫn được gắn bó với phấn trắng, bảng đen. Mỗi năm học là một ngày khai giảng với những kỷ niệm khác nhau. Nhưng cảm xúc về ngày đầu tiên được mẹ đưa tới lớp thì vẫn da diết nhất. Thời của chúng tôi- thế hệ những năm đầu của thập niên 80 ở thế kỷ trước, lễ khai giảng được tổ chức vào ngày mùng 2/9- trùng với kỷ niệm Ngày Quốc khánh. Vì vậy, sau lễ khai giảng đơn sơ nhưng vui vẻ, rạng ngời, học trò vào lớp và bắt đầu buổi học đầu tiên. Và tôi nhớ mãi bài thơ "Sáng mùng hai tháng chín" của nhà thơ Tố Hữu. "… Hôm nay, sáng mồng hai tháng chín/ Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim, chờ chim cũng nín/ Bỗng vang lên câu hát ân tình/ Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh…" Giờ, cứ nghe bài thơ ấy, là trong tôi lại cuộn chảy những kí ức về những mùa tựu trường rất xa xưa"- cô giáo Đào Thị Thúy Hoa tâm sự.
Đào Hằng