Phóng viên (P.V): Xin ông cho biết những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009?
Ông Lê Văn Dung: Bộ GD-ĐT dự kiến năm 2010 sẽ gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đại học thành một kỳ thi chung. Chính vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ xác định là kỳ thi chuẩn bị điều kiện về tâm lý, cơ sở vật chất và kiến thức để tập dượt cho kỳ thi "2 trong 1" năm 2010. Đồng thời qua kỳ thi này cũng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của cuộc vận động "2 không" chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Để đạt được mục tiêu này, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay Bộ GD - ĐT đã đề ra 5 điểm mới:
Thứ nhất: Tổ chức thi tốt nghiệp theo các cụm trường. Mỗi cụm ít nhất 3 trường THPT hoặc Trung tâm GDTX. Mỗi cụm trường thành lập một hội đồng coi thi. Trường hợp đặc biệt, những trường vùng xa, hải đảo, đi lại khó khăn, không tổ chức thi theo cụm phải báo cáo Bộ. Trong mỗi hội đồng coi thi, danh sách thí sinh được lập theo ban: Ban Khoa học tự nhiên; Ban Khoa học xã hội và Nhân văn; Ban cơ bản. Trong từng ban, lại xếp lần lượt các ngoại ngữ, cuối cùng tên thí sinh được xếp theo thứ tự a, b, c…sau đó mới xếp lần lượt vào các phòng thi, đảm bảo không quá 24 thí sinh/phòng. Những thí sinh còn lại của các ban sẽ được xếp vào phòng cuối cùng.
Thứ 2: Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của thanh tra Bộ và lực lượng giám thị ngoài phòng thi. Như vậy, năm nay chỉ có thanh tra Bộ làm nhiệm vụ giám sát ở hành lang và xung quanh phòng thi. Giám thị ngoài phòng thi thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công, ở khu vực bên ngoài, không nằm trong phạm vi hành lang phòng thi và hỗ trợ thanh tra khi cần thiết. Theo quy định của Bộ những cụm có 3 trường sẽ cử 1 thanh tra/ 7 phòng, những cụm có 2 trường sẽ có 1 thanh tra/ 5phòng, những trường thi riêng Bộ sẽ tăng cường thanh tra của Bộ để làm giám thị coi thi.
Thứ 3: Bộ sẽ thực hiện đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh để chấm thi.
Thứ 4: Năm nay chỉ tổ chức 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẽ không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần II.
Thứ 5: Bộ và các tỉnh đều phải thiết lập đường dây nóng thông báo rộng dãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn xã hội được biết cùng với ngành giáo dục giám sát kỳ thi, phản ánh kịp thời những trường hợp vi phạm quy chế thi, đảm bảo công bằng, khách quan.
P.V: Với những điểm mới này, ngành giáo dục- đào tạo đã chuẩn bị được gì cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009?
Ông Lê Văn Dung: Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo một số điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, ngành Giáo dục Ninh Bình đã chủ động triển khai sâu rộng đến các phòng ban chức năng, các trường THPT và các học sinh. Sở đã họp với Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc các Trung tâm GDTX để thông báo về những điểm mới. Theo dự kiến toàn tỉnh sẽ có 12 hội đồng thi, trong đó có 3 hội đồng không đủ 3 trường. Sở yêu cầu các đơn vị dự kiến đăng cai tổ chức kỳ thi phải họp các thành viên xây dựng, dự kiến tổng số học sinh, phòng thi, địa điểm thi, cơ sở vật chất, nơi ăn, nghỉ cho thanh tra Bộ và cán bộ làm thi. Sở cũng đã chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho kỳ thi như máy photocopy, in sao đề, giấy…Đặc biệt toàn ngành cùng với phụ huynh và toàn xã hội chuẩn bị tốt tâm lý cho thí sinh. Các trường phải đôn đốc hơn nữa trong việc ôn tập, củng cố kiến thức, kỹ năng làm bài chuẩn bị các yếu tố cần thiết cho học sinh vững tin bước vào kỳ thi.
P.V: Xin ông cho biết thực hiện các quy định mới ngành giáo dục đang gặp khó khăn gì?
Ông Lê Văn Dung:Với những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, có thể thấy Bộ đã một lần sốc lại tinh thần của cuộc vận động "2 không" siết chặt kỷ luật trường thi, đảm bảo tính công bằng, khách quan, nghiêm túc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã gặp những khó khăn không nhỏ, cần có sự cố gắng của toàn ngành, của phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Việc tổ chức thi theo cụm sẽ kéo theo khó khăn cho học sinh và người nhà trong việc đưa đón, đi lại, ăn, nghỉ. Mỗi thí sinh đi thi sẽ có 1 người nhà đi kèm để chăm sóc. Theo kế hoạch, điểm thi thấp nhất cũng có gần 2.000 thí sinh. Trong thời gian thi sẽ có ít nhất gần 4.000 người đi lại, sinh hoạt trong khu vực đó. Cơ sở vật chất cũng là một điều rất đáng lưu tâm, tại 1 hội đồng thi sẽ có nhiều điểm thi, như vậy sẽ không có đủ về cơ sở vật chất, có nơi sẽ phải mượn địa điểm thi cả ở các trường Tiểu học, bàn ghế sẽ không phù hợp với học sinh THPT. Việc gộp các thí sinh cho thi cụm và tăng cường thanh tra của Bộ sẽ gây tâm lý không nhỏ cho học sinh, điều này rất có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng làm bài của thí sinh. Ngoài ra việc chấm thi chéo sẽ khó lường những bất trắc sẽ xảy ra trong quá trình vận chuyển bài thi.
P.V: Những thí sinh tự do sẽ đăng ký thi như thế nào?
Ông Lê Văn Dung: Kỳ thi này, toàn tỉnh có hơn 1000 thí sinh tự do. Đến thời điểm hiện tại, Bộ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về kỳ thi cho thí sinh tự do. Tuy vậy, thí sinh tự do có thể đăng ký thi ở bất kỳ khối nào. Kiến thức của chương trình cũ so với kiến thức của Ban cơ bản chương trình đổi mới không có sự thay đổi nhiều. Nếu thí sinh đã ôn kỹ kiến thức trong chương trình cũ vẫn có thể đáp ứng yêu cầu của đề thi tốt nghiệp năm nay. Để đạt được kết quả cao, thí sinh phải ôn thêm chương trình phân ban mới. Bắt đầu từ học kỳ II, Sở Giáo dục đã cho phép thí sinh tự do được đăng ký ôn tập ở các trường THPT và Trung tâm GDTX.
P.V: Qua kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng giáo dục của tỉnh ta đang thấp hơn so với một số tỉnh khác. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Văn Dung: Năm 2008, tỷ lệ tốt nghiệp lần 1 của Ninh Bình đạt 74,3%, đứng thứ 38 trong cả nước và đứng tốp cuối cùng trong cụm thi đua khu vực đồng bằng Sông Hồng. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ, điểm thi Đại học chúng ta đứng thứ 8/64 tỉnh, thành. Điều này, theo tôi đã phản ánh một kết quả thực chất của chất lượng giáo dục tỉnh nhà và một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc. Chúng ta đang thực hiện tốt cuộc vận động lớn của ngành về chống bệnh thành tích và chống các biểu hiện tiêu cực trong thi cử, xã hội nên đồng tỉnh và ủng hộ để ngành giáo dục Ninh Bình hoàn thành tốt mục tiêu này. Ngành cũng sẽ nỗ lực không ngừng, có những biện pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều ở các cấp học.
P.V: Ông có đánh giá gì về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay của tỉnh?
Ông Lê Văn Dung: Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng, vì thế kỳ thi năm nay, sẽ có rất nhiều khó khăn trong khâu tổ chức thực hiện, cũng như chuẩn bị tâm lý cho học sinh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất bài thi của thí sinh và tỷ lệ tốt nghiệp chung của toàn tỉnh. Song ngành Giáo dục - Đào tạo đang nỗ lực hết mình để có kết quả bứt phá trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Mục tiêu của ngành Giáo dục - Đào tạo năm nay sẽ nâng cao hơn tỷ lệ tốt nghiệp so với những năm trước, đứng trong tốp trung bình của khu vực. Sắp tới Ban chỉ đạo thi của tỉnh sẽ họp để phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành như: Công an, Y tế, Điện lực, Cơ quan thông tấn, báo chí... huy động sức mạnh toàn xã hội cùng vào cuộc.
P.V: Xin cảm ơn ông !
Nguyễn Thơm (thực hiện)