Sinh năm 1981, là con thứ 2 của gia đình có 4 anh em trai, Bùi Văn Cầm đến với nghề cơ khí và Xí nghiệp cơ khí Quang Trung thật tình cờ. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thủy lợi chuyên ngành cơ khí, tình cờ tôi đọc được tin quảng cáo tuyển dụng của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung trên Báo Hà Nội Mới. Tôi đã nộp hồ sơ đăng ký trả lời phỏng vấn rồi được nhận vào làm việc tại Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình). Lúc đó, những thông tin mà tôi biết về cơ khí Quang Trung còn rất ít... Nhưng khi được làm việc tại phòng Kỹ thuật của Xí nghiệp, tôi mới nhận thấy đây thực sự là môi trường làm việc tốt để phát huy được sở trường cũng như khả năng hiểu biết của mình về lĩnh vực cơ khí.
Mặc dù vào làm việc tại Xí nghiệp cơ khí Quang Trung chưa lâu nhưng anh Cầm đã nhanh chóng thích nghi với công việc, anh đã cùng với đồng nghiệp có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được bạn bè, đồng nghiệp tin yêu. Năm 2006, với đề tài "Cải tiến hộp số 3 cấp I = 70", kỹ sư Bùi Văn Cầm đã được thưởng Bằng "Lao động sáng tạo" của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đây là một trong những sáng kiến dùng trong di chuyển cho cổng trục, cầu trục và xe con. Với sáng kiến này, anh Cầm đã được Xí nghiệp tặng thưởng một chiếc tivi màu. Nhận phần thưởng, anh rất vui và đem về tặng bố mẹ. Sự khích lệ, động viên kịp thời của bố mẹ, người thân và đồng nghiệp đã thôi thúc anh không ngừng lao động sáng tạo.
Năm 2007, anh lại một lần nữa thành công khi đưa ra đề tài "Cụm di chuyển 24 bánh xe cho cẩu trục từ 100 tấn đến 150 tấn và cẩu chân đế £ 30 tấn". Đề tài này đã được Xí nghiệp tuyển chọn và đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng "Lao động sáng tạo". Những sáng kiến của anh không những làm lợi cho Nhà nước mà còn góp phần đổi mới quy trình sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần tạo nên thương hiệu cơ khí Quang Trung được nhiều người biết đến.
Với trí thông minh sẵn có và sự nhiệt tình lao động sáng tạo, Bùi Văn Cầm đã vinh dự được Xí nghiệp tuyển chọn tham gia thiết kế cầu trục máy cẩu tại Thủy điện Sêsan 3; cổng trục 400 tấn tại Nhà máy đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng); cổng trục 450 tấn tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất...
Đầu năm 2008, anh chuyển ra công tác tại cơ sở của Xí nghiệp Quang Trung ở Quảng Ninh. Anh cho biết: ở Quảng Ninh đang là một công trường sản xuất lớn của Xí nghiệp. Tại đây, tôi được cọ xát với thực tế nhiều hơn bởi thông qua trao đổi với công nhân, kỹ sư trực tiếp sản xuất, tôi rút ra được nhiều điều hữu ích nhằm thiết kế những bản vẽ phù hợp với thực tiễn. Hiện tại anh đang cùng đồng nghiệp nghiên cứu và thiết kế "cần trục bánh xích". Đây là một trong những đề tài sáng kiến cấp Nhà nước bởi hiện nay các nước có nền cơ khí lớn như: Trung Quốc, ấn Độ... vẫn chưa sản xuất được loại cần trục này.
Trong quá trình lao động, Bùi Văn Cầm luôn tạo cho mình khả năng quan sát tỷ mỉ, làm việc cẩn thận, khoa học và tích lũy kinh nghiệm. Không dừng lại ở những thành công đã đạt được, người kỹ sư trẻ này còn mong muốn được thử sức mình ở những lĩnh vực mới như: Thiết kế đóng tàu biển có trọng tải lớn, sản xuất cần, cẩu trục hiện đại...
Với mơ, hoài bão và nghị lực của tuổi trẻ, Tin rằng Bùi Văn Cầm sẽ còn tiến xa hơn nữa trên bước đường khoa học và có nhiều đề tài, sáng kiến hữu ích cho nền cơ khí nước nhà.
Đức Nghĩa