Những ngày cuối tháng 10 về Kỳ Phú, đâu đâu cũng thấy cảnh bà con nô nức, tất bật với công việc thu hoạch sắn. Người nhổ, người chặt, rồi người vận chuyển tập kết ra bãi, mỗi người một việc. Hai bên đường, những chiếc ô tô của tư thương mua sắn đã chờ sẵn, có xe đã đầy ắp thùng. Người dân cho biết: Ngày cao điểm có tới chục xe vào để mua sắn.
Anh Bùi Lâm, thôn 1, Phú Long, vừa đôn đốc các nhân công bốc sắn lên xe vừa chia sẻ với chúng tôi: Trước đây, 3 ha đất đồi, gia đình toàn trồng mía. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, giá mía xuống thấp, việc tiêu thụ khó khăn nên năm nay tôi quyết định chuyển đổi 1 ha thuộc khu sườn đồi, đất xấu sang trồng sắn, năng suất khá cao, đạt 35 tấn/ha. Sắn thu hoạch đến đâu, tư thương vào mua tới đó. Với mức giá 1.100-1.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, công thu hoạch, gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/ha.
Ngay từ sáng sớm, gia đình chị Đinh Thị Na, thôn 4, Phú Long cũng đã nhờ anh em, hàng xóm đến nhổ sắn, vận chuyển ra ven đường bán cho thương lái. Chị Na cho biết: Vụ sắn năm nay, gia đình thu khoảng 40 tấn sắn, bán được gần 50 triệu đồng, nhờ đó có tiền lo cho 2 con ăn học. Chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách để có đầu ra ổn định hơn, giá cao hơn so với hiện nay.
Theo lời những nông dân trong xã thì sắn là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chịu được khô hạn, không kén đất, ít vốn đầu tư, chịu được thời tiết khắc nghiệt, nguồn giống bà con chủ động được, lại không phải bón phân nhiều, chỉ cần làm cỏ vài lần trong năm. Chi phí cao nhất có lẽ là công thu hoạch và bốc xếp lên xe bởi khi xuất cho nhà máy phải có số lượng lớn. Việc thu hoạch đồng loạt như vậy cần rất nhiều lao động cùng một lúc, trong khi đó lao động làm nông nghiệp tại địa phương giờ không còn nhiều, giá công hiện rất cao từ 180-200 nghìn đồng/người/ngày.
Trao đổi với ông Đỗ Văn Luật, Giám đốc HTX Kỳ Phú (xã Kỳ Phú) được biết: Sau 2 năm giá mía xuống thấp, năm 2020, nhiều bà con chuyển sang trồng sắn, tổng diện tích cả xã trên 100 ha. Hiện nay, người dân đang tập trung thu hoạch, sản phẩm chủ yếu xuất bán cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn. Giá bán dao động từ 1.100-1.500 đồng/kg. Trung bình mỗi gia đình trồng sắn thu về 20 - 30 triệu đồng/vụ.
Không chủ động được nguồn nước, việc trồng trọt phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, địa hình dốc, đất đai kém màu mỡ nên nông dân Kỳ Phú không có nhiều cây trồng để lựa chọn, ngoài các cây công nghiệp ngắn ngày, chịu hạn tốt như mía, dứa, sắn, sắn dây thì chưa có một cây trồng nào khác hiệu quả hơn để thay thế. Trong khi đó, mấy năm trở lại đây, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, khô hạn thường xuyên xảy ra, có vụ bà con trồng ngô, lạc, gặp hạn, đã bị thất thu hoàn toàn. Riêng cây mía, 2 năm trở lại đây giá thu mua sụt giảm nghiêm trọng, trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, người dân hầu như không có lãi, thậm chí chịu lỗ. Do vậy, cây sắn là một lựa chọn phù hợp vào thời điểm này. Tuy nhiên, điều trăn trở của địa phương là việc người dân ồ ạt mở rộng diện tích cây sắn mà chưa có liên kết hợp đồng cụ thể với các doanh nghiệp thu mua dễ dẫn tới sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ nông dân chỉ tập trung mở rộng diện tích mà không đầu tư thâm canh, khai thác quá mức làm đất đai bị thoái hóa... sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất sau này. Do vậy, thời gian tới rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn để định hướng cho hoạt động sản xuất của bà con.
Hà Phương