Được thành lập hơn 1 tháng qua, CLB "Hát sắc bùa Kỳ Phú" đều đặn mỗi tuần sinh hoạt 2 lần vào tối thứ 4 và thứ 7, từ 19h đến 22h tại nhà văn hóa bản Ao Lươn. Chị Bùi Thị Chia, thành viên CLB cho biết: Mỗi dịp đón năm mới, những cuộc hát sắc bùa như một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mường. Hát sắc bùa thể hiện những khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới. Chuẩn bị đón Tết cổ truyền, CLB cũng thành lập các phường bùa theo nghi lễ truyền thống (từ 4-7 người) để tập luyện, chia nhau đến hát chúc Tết các gia đình trong xã. Mỗi phường bùa có trùm phường (là người hát chính, có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả phường và có khả năng ứng xử tình huống nhanh để có thể ứng tác lời ca, ứng khẩu với những câu chúc tụng ngày xuân phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình). Ngoài luyện tập các điệu hát, các thành viên trong CLB đang chuẩn bị các dụng cụ tổ chức các trò chơi ngày xuân như đánh mảng, tung còn, bắn nỏ... để mang tới không khí xuân vui tươi, phấn khởi cho bà con trong xã và du khách đến với người Mường nhân dịp đầu xuân (khoảng mùng 7 tháng Giêng kết thúc hội đầu xuân). Đây là nét đẹp văn hóa, mang tính khích lệ với niềm mong ước vươn tới một cuộc sống ấm no, thịnh vượng.
Đồng chí Bùi Thị Thùy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Hát Sắc bùa Kỳ Phú" cho biết: CLB "Hát Sắc bùa Kỳ Phú" được thành lập nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường; tập hợp, tạo điều kiện cho những người yêu thích văn hóa, văn nghệ được giao lưu, học hỏi, rèn luyện nâng cao kỹ năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tạo sân chơi lành mạnh cho các hội viên tham gia, đồng thời truyền lại những nét đẹp và giá trị văn hóa lâu đời của người Mường cho thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy. Thông qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giúp đồng bào dân tộc Mường hiểu rõ những giá trị văn hóa dân tộc mình, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Hoạt động của Câu lạc bộ góp phần thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
CLB "Hát sắc bùa Kỳ Phú" hiện có gần 60 thành viên, các thành viên chủ đạo trong CLB là hội viên phụ nữ, có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, khôi phục lại các làn điệu dân ca, điệu múa, bài hát Mường, các trò chơi truyền thống… CLB tổ chức tập luyện các bài hát sắc bùa, các làn điệu hát ru, hát đối của dân tộc Mường, phù hợp, gần gũi với nét sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Mường ở Kỳ Phú. Ngoài ra, các hội viên Câu lạc bộ được tham gia tập luyện theo sở thích trong các buổi sinh hoạt thường kỳ. Tổ chức và tham gia các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các CLB và một số hoạt động khác phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tham gia các chương trình biểu diễn theo lịch sắp xếp của UBND xã khi có yêu cầu. Tổ chức các hoạt động CLB theo chủ đề của các chương trình như biểu diễn phục vụ lễ hội, biểu diễn tại các điểm du lịch, chào mừng hội nghị… Tổ chức các hoạt động thể thao, tập trung vào các trò chơi dân gian nhằm thu hút các hội viên tham gia CLB. Tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân biết và hiểu rõ về các giá trị văn hóa của người Mường nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.
Hiện nay, CLB đang khôi phục và phục dựng lại tất cả các câu hát sắc bùa, đảm bảo đủ 1 cuộc hát sắc bùa truyền thống. Nội dung chủ yếu của các bài hát sắc bùa thường có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống dân dã, thường được sáng tác sẵn hoặc học thuộc, mỗi bài gồm 2 phần: Phần đầu có tính chất nghi lễ, phong tục chào hỏi, chúc Tết gia chủ và phần thứ 2 là phần góp vui có tính chất sinh hoạt văn nghệ. Đồng thời, CLB trang bị dàn cồng, chiêng đầy đủ (từ cồng tiểu, cồng trung, cồng đại) bởi đây là loại nhạc cụ duy nhất, quan trọng nhất đi theo những sắc thái của câu hát sắc bùa, nhằm đưa lời ca, tiếng hát vang vọng cả mùa xuân.
Hồng Vân