Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Người bệnh ĐTĐ tỉnh Ninh Bình đã đưa ra những hậu quả, hệ lụy khôn lường của bệnh ĐTĐ đối với sức khỏe con người đang diễn biến gia tăng trên toàn thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Hiện nay, bệnh ĐTĐ đang là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới, gây giảm tuổi thọ trung bình từ 5 - 10 năm, là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, suy thận giai đoạn cuối và cắt cụt chi. Trên thế giới, cứ 6 giây lại có 1 người chết do nguyên nhân ĐTĐ và các biến chứng, cứ 20 giây lại có một người ĐTĐ bị cắt đoạn chi do biến chứng bàn chân.
Tại Việt Nam, số người mắc bệnh ĐTĐ tăng nhanh, tuổi mắc ĐTĐ đang trẻ hóa, có nhiều bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên mắc bệnh. Theo Liên đoàn ĐTĐ quốc tế, năm 2014, Việt Nam là quốc gia có số mắc bệnh ĐTĐ nhiều nhất trong số các Quốc gia Đông Nam á với trên 3,299 triệu người mắc ĐTĐ… Đối với tỉnh Ninh Bình, hiện nay có hơn 6.000 người mắc bệnh, có 2.000 người tham gia Hội Người bệnh ĐTĐ tỉnh.
Trước những nguy cơ phát triển gia tăng của bệnh ĐTĐ, Tổ chức Y tế thế giới đã chọn ngày 14-11 là ngày để kỷ niệm ngày sinh Frederick Banting - người phát hiện ra insulin - hormone chuyển hóa đường để điều trị bệnh ĐTĐ vào năm 1921, đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân mắc ĐTĐ. Do đó, Ngày thế giới phòng, chống bệnh ĐTĐ (14-11) là dịp để nhắc nhở lại những cam kết phòng, chống bệnh ĐTĐ, là dịp để các quốc gia có chương trình phòng, chống bệnh ĐTĐ với những mục tiêu cụ thể.
Đồng thời, là cơ hội để huy động cộng đồng tạo ra tiếng nói mạnh mẽ trong nhận thức về bệnh ĐTĐ. Mỗi người cần phải quan tâm hơn nữa và đưa ra những hành động cần thiết để kiểm soát dịch bệnh thế kỷ, căn bệnh đang ảnh hưởng tới 382 triệu người trên toàn thế giới. Là dịp để nâng cao nhận thức và phổ biến các công cụ để phòng, chống bệnh ĐTĐ.
Hồng Vân