Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố và các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua đến từ các cơ sở Hội trong tỉnh.
Ngày 10/8/1961, lần đầu tiên quân đội Mỹ dùng máy bay thực hiện các đợt rải chất độc hóa học xuống miền Nam nước ta. Trong suốt 10 năm từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống Miền Nam Việt Nam 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đố là chất độc da cam nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của lực lượng vũ trang cách mạng.
Đây là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, kéo dài nhất, gây hậu quả thảm khốc. Không chỉ môi trường và hệ sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng, mà hàng triệu đồng chí, đồng bào ta đã trở thành nạn nhân của chất độc này trong suốt 55 năm qua.
Ở Ninh Bình, chất độc da cam đã làm cho hàng chục nghìn người bị phơi nhiễm, trong đó hơn 4 nghìn người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em ở thế hệ thứ 2, thứ 3.
Từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và các cơ sở Hội đã vận động, tiếp nhận trên 22 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 55.707 lượt đối tượng là nạn nhân chất độc da cam.
Quỹ nạn nhân chất độc da cam các cấp đạt trên 3 tỷ đồng. Đến hết năm 2009, mạng lưới tổ chức Hội ở các cấp đã cơ bản hoàn thành, là một trong những tỉnh sớm hoàn thành tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.800 hội viên, có 5.734 người đang được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, có 35.470 người bị phơi nhiễm…
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân, phong trào thi đua của Hội không ngừng được phát triển. Đến nay, so với chỉ tiêu tổng kết của Đại hội II đề ra, kết quả vận động, tiếp nhận, sự ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam toàn tỉnh đạt 215%.
5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã được Chính phủ, Trung ương Hội, UBND tỉnh tặng bằng khen.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã chia sẻ những nỗi đau mà các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang phải gánh chịu cũng như tinh thần vượt khó vươn lên của gia đình các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Chúc mừng và biểu dương những thành tích mà các cấp Hội đã đạt được trong thời gian qua, để Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hoạt động hiệu quả, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các đoàn thể và các cấp Hội quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ: cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tổ chức thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với người bị nhiễm chất độc da cam; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân, bằng nhiều hoạt động thiết thực, ủng hộ, tạo điều kiện, giúp đỡ, động viên, tiếp sức cho các nạn nhân để họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn; các cấp Hội cần tiếp tục xây dựng, củng cổ tổ chức, chăm lo tốt hơn cho các nạn nhân; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, những tấm lòng vàng, những tập thể Hội hoạt động hiệu quả.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.
Nhiều tập thể và cá nhân cũng được Trung ương Hội, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh khen thưởng.
Bùi Diệu-Thế Minh