Qua 5 năm thực hiện thỏa thuận liên ngành, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ tín dụng cho 685 cán bộ Hội Nông dân các cấp; tập huấn, chuyển giao KHKT cho trên 111 nghìn lượt cán bộ, hội viên, nông dân và giúp hội viên nông dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Đến hết tháng 9/2015, toàn tỉnh đã thành lập được 57 tổ vay vốn với gần 1.600 thành viên. Dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng NN &PTNT là trên 6,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay qua tổ vay vốn của Hội Nông dân quản lý trên 61 tỷ đồng.
Thông qua chương trình phối hợp, 5 năm qua đã giúp trên 2.200 hộ vay vốn, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 7 nghìn lao động có thu nhập ổn định. Đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức hội nông dân các cấp nâng cao chất lượng hoạt động, nông dân tham gia các tổ vay vốn có cơ hội gắn bó, học hỏi kinh nghiệm cùng giúp nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng.
Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện xây dựng NTM. Đồng thời, nông dân trong tỉnh được tiếp thu KHKT, kinh nghiệm trong sản xuất nên sử dụng vốn có hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó có chính sách tín dụng.
Để chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ngày càng được thực hiện hiệu quả, chất lượng, thời gian tới, 2 ngành Ngân hàng và Hội Nông dân cần cụ thể hóa, triển khai tổ chức tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ 2 ngành cũng như cấp ủy, chính quyền và người dân để hiểu rõ hơn về chính sách hỗ trợ tín dụng, qua đó, tạo sự thống nhất, làm chuyển biến về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở.
Cùng với đó, lựa chọn, xây dựng mô hình để thực hiện hiệu quả; trong đó nêu cao vai trò của người đứng đầu các tổ liên kết vay vốn, đảm bảo những người này phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vì nông dân. Quan tâm đến công tác tập huấn cho cán bộ chuyên quản, cán bộ hội, ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý những biểu hiện vi phạm.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các HTX tiếp tục chuyển đổi mô hình sản xuất, phát huy hiệu quả đồng vốn vay. 2 ngành cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó quản lý tốt nguồn vốn, động viên người dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Hạnh Chi-Thế Minh