Để tiếp tục phổ cập nước sạch cho người dân, cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn (VSNT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngay sau đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh với giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng các yếu tố về chính sách, công nghệ, quản lý, cũng như truyền thông, nâng cao nhận thức...
Phấn đấu 85% số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn vào năm 2030
Theo Chiến lược quốc gia cấp nước sạch & VSNT mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, cả nước đặt mục tiêu đến năm 2030, 65% dân số được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh... Riêng Ninh Bình, chúng ta đặt mục tiêu cao hơn với 85% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn vào năm 2030. 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt; 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý nước thải chăn nuôi. Ninh Bình xác định, hoạt động cấp nước sạch & VSNT phải được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".
Đẩy mạnh xã hội hóa cấp nước sạch & VSNT, thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình, đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong mục tiêu về nước sạch, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và những nơi chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Người dân nông thôn phải được tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cần cách tiếp cận đa chiều
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược, chúng ta cần có cách tiếp cận đa chiều, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phải được tăng cường và tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm thay đổi hành vi, thói quen, sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, đảm bảo vệ sinh hộ gia đình.
Sở Nông nghiệp &PTNT đang xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ giá nước sạch nông thôn, thực hiện bù chéo chi phí trong quản lý vận hành công trình cấp nước. Hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật quản lý, vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển.
Được biết, tỉnh ta cũng đã lên kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước sinh hoạt trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Cụ thể: đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dự phòng kết nối liên huyện giữa các nhà máy nước có công suất lớn (Hoàng Long, Tam Điệp, Ninh Bình); tăng dung tích hữu ích của các hồ chứa; xây dựng, cải tạo kênh liên hồ để bổ sung nguồn nước cho nhau.
Về phương án cấp nước, xu hướng trong những năm tới, chúng ta sẽ tập trung phát triển mạnh các công trình cấp nước quy mô lớn để cấp nước tập trung, thay thế dần các công trình cấp nước nhỏ lẻ hiện không còn phù hợp. Trước mắt, đầu tư dự án xây dựng nhà máy nước Yên Đồng công suất 40 nghìn m3 /ngày phục vụ người dân trên địa bàn huyện Yên Mô và một số xã thuộc huyện Yên Khánh, Kim Sơn, phấn đấu đi vào hoạt động trong năm 2024.
Riêng những vùng gặp khó khăn trong đầu tư công trình cấp nước tập trung, vùng chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, nhất là các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển thì thực hiện giải pháp cấp nước hộ gia đình.
Với vấn đề vệ sinh nông thôn, thực hiện nhân rộng phong trào cộng đồng không phóng uế bừa bãi, hướng tới thay đổi nhận thức, hành vi vệ sinh của người dân, tăng tỷ lệ hộ gia đình xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Xây dựng lộ trình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch và đồng bộ với kết cấu hạ tầng nông thôn. Hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích áp dụng các giải pháp xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi chi phí thấp, thân thiện với môi trường.
Nguyễn Lựu
⇒ Kỳ I: Những chuyển biến tích cực
⇒ Kỳ II: Bất cập trong quản lý, khai thác công trình cấp nước