Góp ý về Dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) góp ý cụ thể về các khoản 4, Điều 47, điều 45, khoản 1, điều 50.
Đại biểu cho rằng, hiện các điều khoản quy định về các tổ chức, cá nhân có hành nghề thẩm định viên, Hội nghề nghiệp thẩm định giá vẫn còn đang có sự vòng vo trong việc cấp giấy chứng nhận thẩm định viên về giá. Do vậy đại biểu đề nghị việc cấp thẻ thẩm định viên về giá nên giao cho doanh nghiệp hành nghề thẩm định giá cấp phép, tránh sự quá tải cho Bộ Tài chính và không gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí cao về sự cần thiết ban hành luật, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, để đảm bảo khả thi và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ các nội dung của luật, bởi các nội dung của dự thảo đều có liên quan đến nhiều luật khác như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Hàng không, Luật Thủy lợi, đất đai, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Quan tâm đến quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (điểm c, khoản 2, điều 7), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nêu vấn đề: Hiện dự thảo có hai cụm từ mang tính định tính, chung chung, đó là cụm từ "điều kiện bất thường", "bất hợp lý". Như vậy sẽ gây khó khăn cho các chủ thể chịu sự quản lý của Luật Giá do không có quy định về lợi nhuận định mức ngành và nguyên tắc cung cầu và không thể có số liệu thống kê về lợi nhuận ngành để khống chế việc tăng giá, nhất là tăng giá đối với những mặt hàng không thiết yếu trong thời điểm nhất định. Do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn hai cụm từ này, hoặc quy định về trách nhiệm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành nội dung.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất bổ sung thêm hành vi cấm, đó là "các doanh nghiệp độc quyền hoặc giữ vị trí thống lĩnh thị trường bán không đúng giá nhà nước quy định lợi dụng vị thế độc quyền của mình để định giá độc quyền ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng" và bổ sung thêm "những hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá".
Góp ý vào các nội dung được quy định tại khoản 6, Điều 15 (nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ), theo đại biểu quy định như dự thảo sẽ dễ dẫn đến có nhiều phương pháp định giá được quy định rải rác ở các luật chuyên ngành và sẽ khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến việc áp dụng trong thực tiễn, thậm chí có thể xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự thống nhất với các nguyên tắc cơ bản tại phương pháp định giá chung. Do vậy, đại biểu đề nghị nên quy định thống nhất Bộ Tài chính quy định cụ thể các điều kiện về giới hạn phương pháp định giá và xây dựng ban hành các quy định về đánh giá để đảm bảo thống nhất trong Luật Giá cũng như các luật có liên quan.
Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về một số quy định của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Trước đó, buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường đối với 2 dự thảo Nghị quyết về: "Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk'' và "Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá".
Mai Lan