Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã tập trung phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất về việc cần phải sửa đổi Luật Cạnh tranh, qua đó góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, quy định phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành, theo đó, không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị làm rõ về tính khả thi của quy định này, nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh, đại biểu cho rằng, để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh phải xây dựng cơ quan cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật.
Về việc áp dụng luật này và các luật khác có liên quan, nhiều đại biểu cho rằng cách tiếp cận của dự thảo luật là chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh, nhiều đại biểu nhất trí với phương án của Chính phủ đề xuất là quy định cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, trên cơ sở hợp nhất Cục cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị dự thảo luật cũng cần thể hiện được tính kết nối giữa tố tụng cạnh tranh, tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, vì cùng với những quy định của luật này thì hệ thống pháp luật của ta cũng có những quy định khác để bảo vệ chống cạnh tranh.
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã quan tâm.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật này.
Mai Lan (Tổng hợp)