Theo đó, sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018, Quốc hội thảo luận ở hội trường về vấn đề này.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nhận định, đánh giá và đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, đồng thời tập trung phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Nhiều đại biểu cho rằng, hiện vẫn còn có sự chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định pháp luật, không chỉ quy định pháp luật trực tiếp về phòng, chống cháy nổ mà cả các quy định liên quan ở đối tượng xây dựng, giao thông, điện lực. Công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi đó, nhân lực, vật lực phòng, cháy chữa cháy ở nhiều nơi đều không đạt cả về chất lẫn về lượng.
Về giải pháp PCCC trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại; chỉ đạo rà soát, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến PCCC;
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan đến PCCC; xử lý nghiêm tình trạng công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; làm tốt hơn nữa công tác thông tin giáo dục, vận động để nâng cao ý thức của người dân, đại biểu nêu quan điểm.
Tăng cường giám sát, quản lý đối với một số loại hình, các địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao. Ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị PCCC...
Mai Lan