Theo đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đại biểu đồng tình với việc cần nghiên cứu nhằm khỏa lấp khoảng trống pháp lý trong xử lý hình sự đối với các hành vi về tàng trữ, sử dụng, mua bán các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Tuy nhiên, nên sửa đổi điều Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hay sửa đổi Điều 304 Bộ luật hình sự, đây vẫn là vấn đề còn những ý kiến khác nhau. Bởi một số ý kiến nhận định: hiện nay đang có khoảng trống nhất định trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi chế tạo,tàng trữ, sử dụng và mua bán các loại vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
Vì vậy cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm mà thực tế thời gian qua đã đặt ra.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng nếu sửa Điều 3, Luật Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như đề xuất của Chính phủ vô hình chung quay lại thời điểm ban hành Pháp lệnh về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ, lại không thống nhất cả về nội dung và kỹ thuật với các Điều 18,19,20,21,22 của Luật vũ khí.
Do vậy cần chỉnh sửa, bổ sung tại điều 304 Bộ Luật hình sự về các loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã làm rõ thêm một số nội dung về dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có quy định đơn phương miễn thị thực, các đại biểu cho rằng, miễn thị thực là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để đảm bảo hơn nguyên tắc đối đẳng trong quan hệ đối ngoại, cần bổ sung quy định yêu cầu phía nước ngoài được Việt Nam thí điểm cấp thị thực điện tử tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc miễn thị thực cho công dân của ta, đảm bảo quyền và lợi ích tương ứng của công dân Việt Nam
Một số đại biểu cho rằng, việc đơn phương miễn thị thực nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài đến Việt Nam học tập, làm việc, đầu tư, du lịch, song, cần nghiên cứu kỹ quy định này. Bởi vấn đề quan trọng để khách du lịch đến nước ta là có sản phẩm đa dạng, có chất lượng, bảo đảm môi trường và an ninh trật tự chứ không phải là làm sao để người nước ngoài đến với Việt Nam không phải vì miễn thị thực.
Các đại biểu đề nghị cần thực hiện có chọn lọc việc miễn thị thực, tôn trọng nguyên tắc có đi có lại. Đây cũng là công cụ về mặt ngoại giao để chúng ta đàm phán với các quốc gia khác để họ có chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào nước họ.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thuyết minh và báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Mai Lan